(HNM) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án gồm 4 chương trình...
(HNM) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án gồm 4 chương trình: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam; chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan; phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 đến 18 tuổi; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Thực hiện trong 20 năm với tổng kinh phí dự tính là 6.449 tỷ đồng, đề án đồng thời cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020, chiều cao trung bình (18 tuổi) của nam là 167cm và năm 2030 là 168,5cm; năm 2020 chiều cao của nữ là 156cm, năm 2030 là 157,5cm…
Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề hết sức quan trọng, là chiến lược của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đặc biệt với Việt Nam, khi thể lực và tầm vóc của người dân còn kém xa so với chuẩn quốc tế (nam thanh niên kém 13,1cm; nữ kém 10,7cm so với chuẩn quốc tế). Sự hạn chế về thể lực và tầm vóc không chỉ trực tiếp ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta so với các nước khác mà còn tác động trực tiếp tới việc bảo vệ an ninh quốc phòng. Do vậy, tầm quan trọng của đề án là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu đề ra không đơn giản.
Trước hết là về tư duy và nhận thức. Có một thực tế là nhiều gia đình chỉ chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, không để ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ở tuổi đến trường và trong giai đoạn trưởng thành. Ở thành phố đã vậy, còn ở nông thôn, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em bị thả nổi. Những bữa cơm có thịt, hay mỗi ngày một cốc sữa là những giấc mơ với không ít trẻ ở vùng sâu, vùng xa... Chưa kể, giáo dục thể chất ở các trường học hiện nay thường bị xem là môn học phụ, không được đầu tư. Trong khi đó, chương trình học văn hóa lại quá nặng nề, dẫn đến tình trạng trẻ em không có điều kiện phát triển về thể lực mà thường hay mắc các bệnh học đường như vẹo cột sống, cận thị… Với thực tế như vậy, những mục tiêu "vẽ" ra liệu có khả thi?
Một vấn đề nữa là hiệu quả triển khai của đề án. Với một đề án có nhiều chương trình, được thực hiện tại nhiều địa phương như vậy, sự phối hợp sẽ như thế nào? Việc thực hiện các yếu tố thành phần của từng chương trình ra sao?… Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương luôn là khâu yếu trong hoạt động triển khai ở nước ta. Tình trạng thiếu "nhạc trưởng" đã được đề cập đối với nhiều dự án và nếu không giải quyết tốt vấn đề này, khó có thể nói đến hai chữ "hiệu quả". Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, "để thực hiện thành công đề án này, không phải chỉ một vài yếu tố mà đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều yếu tố hợp thành". Như vậy, các nhà quản lý cũng đã nhận thức rất rõ về những khó khăn khi thực hiện đề án.
Nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ của người Việt Nam là hết sức cần thiết. Thế nhưng làm thế nào để một đề án mang tính nhân văn như vậy đem lại hiệu quả thiết thực là cả một vấn đề khó. Các nhà quản lý cần đặt đề án vào bối cảnh thực tế, nhận thức rõ những khó khăn để tìm các giải pháp triển khai thực hiện, sao cho mục tiêu đề ra không phải... để đấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.