Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dễ quản lý, lợi cho dân

Hà Phong| 09/03/2019 07:28

(HNM) - Hơn 3 năm thi hành Luật Hộ tịch - đạo luật gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân và các văn bản hướng dẫn đã mở ra nhiều thay đổi căn bản trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.

Người dân làm thủ tục hộ tịch tại bộ phận “một cửa” quận Cầu Giấy.


Cuộc cách mạng về hộ tịch

Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản ở tầm luật để điều chỉnh riêng về lĩnh vực hộ tịch sau nhiều năm điều chỉnh bằng các nghị định của Chính phủ, với nhiều điểm mới mang tính đột phá, nhằm tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính...

Qua hơn 3 năm triển khai, theo đánh giá của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh, Luật Hộ tịch đã đáp ứng được cơ bản kỳ vọng giúp người dân thuận lợi khi đăng ký khai sinh, khai tử, chỉnh sửa thông tin cá nhân... Một số kết quả ấn tượng cụ thể là: Ngành Tư pháp đã triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch rộng rãi, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh tại một số địa phương ngay từ ngày 1-1-2016; bước đầu xây dựng và hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Đến nay, các tỉnh, thành đều đã được tập huấn sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, trong đó có gần 50 địa phương chính thức áp dụng. Việc này một mặt lưu trữ thông tin, giúp mở rộng các thủ tục đăng ký trực tuyến lĩnh vực hộ tịch với thủ tục đơn giản. Mặt khác, giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các đơn vị trực tiếp thực hiện; tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.

Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới, thành phố Hà Nội đang từng bước số hóa toàn bộ sổ hộ tịch với dữ liệu của hơn 7,3 triệu người dân; đã có 3 đơn vị số hóa sổ hộ tịch, gồm: Quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Long Biên. Tại các quận này, khi công dân có nhu cầu tra cứu thông tin hộ tịch chỉ cần khai thông tin về họ tên, năm sinh là công chức tư pháp - hộ tịch có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch nhanh chóng, thuận tiện. Trong khi đó, 27 quận, huyện, thị xã còn lại đang triển khai rà soát các loại sổ hộ tịch để chuẩn bị số hóa. Việc triển khai đồng thời đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch có nhiều đột phá. Hình thức đăng ký khai sinh trực tuyến ngày càng được nhiều người dân lựa chọn, nhất là ở Ba Đình, Cầu Giấy khiến tỷ lệ đăng ký đúng hạn tăng dần qua từng năm. Tình trạng “sinh không khai, tử không báo” đã được giảm.

Còn đó những điểm nghẽn

Mặc dù nhìn trên bình diện chung, công tác đăng ký hộ tịch được tiến hành thuận lợi, không có vấn đề nổi cộm. Song thực tiễn cũng cho thấy, việc kết hôn, khai sinh, khai tử luôn phát sinh những tình huống đa dạng, phức tạp trong khi một số địa phương bổ nhiệm cán bộ văn hóa, địa chính hay cán bộ khác làm công tác tư pháp, nên việc áp dụng luật còn lúng túng.

Theo ông Phạm Thanh Cao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như việc sinh, tử, thay đổi họ, tên, xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu hoặc chưa có hướng dẫn điều chỉnh. Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập như đã nêu ở trên của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Thông tư số 15/2015/TT-BTP nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch trong thời gian tới.

Khó khăn nữa mà chính quyền cơ sở phản ánh là tình trạng công dân xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng trước đây đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau khiến việc xác minh bị kéo dài. Nhận được thông tin từ cơ sở, Bộ Tư pháp đã thống nhất hướng dẫn vận dụng theo hướng, về phía chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân bằng cách phải có xác nhận. Mặt khác, trong trường hợp các địa phương để quá hạn không trả lời hoặc không có cơ sở để trả lời thì vẫn phải cho phép người dân được cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Ngoài hướng dẫn chi tiết, kịp thời, theo ông Nguyễn Công Khanh, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tư pháp và các địa phương tiến hành thường xuyên, giúp tháo gỡ những điểm nóng. Song song đó, nhằm chuẩn hóa, nâng cao năng lực của công chức làm công tác hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phê duyệt khung, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và tổ chức 7 lớp tập huấn chuyên sâu nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, đóng góp tích cực cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dễ quản lý, lợi cho dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.