Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề phòng say nắng

BS Nguyễn Hùng| 20/05/2013 06:40

Nắng nóng từ 35 độ trở lên dễ xảy ra tình trạng say nắng. Xin hỏi, khi bị say nắng nên xử lý như thế nào? (Anh Trần Văn Long, Thạch Thất)



Say nắng xảy ra khi cơ thể ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong môi trường có nhiệt độ cao. Đây là bệnh do tăng thân nhiệt, xảy ra khi khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất, nhiệt độ cơ thể vượt quá nhiệt độ bình thường. Biểu hiện của say nắng là da nóng và khô, miệng khô, nhức đầu, buồn nôn, choáng váng, sốt cao trên 39,8oC, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, loạn nhịp tim, hạ huyết áp, ngất… Khi bị say nắng, cần nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách đưa ngay vào chỗ thoáng mát, dùng quạt làm mát, đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân lên cao; cởi bớt quần áo, cho uống nước lạnh có pha muối, tốt nhất là cho uống dung dịch oresol; dùng khăn thấm nước đá chườm lạnh khắp người cho nạn nhân, nhất là cổ, nách, háng; xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt nếu nạn nhân ngừng tim. Nạn nhân không uống được nước, bị nôn, sốt liên tục, đau tức ngực… phải đưa ngay đến bệnh viện. Cũng có thể dùng một số bài thuốc dân gian đơn giản như dùng vỏ đậu xanh, sắc lấy nước đặc cho uống khi nạn nhân có sốt cao; nếu cảm nắng, bị ngất xỉu thì lấy vừng đen rang gần cháy, để nguội tán bột, mỗi lần uống 10g - 12g hòa với nước; bị say nắng có nhức đầu, xây xẩm mặt mày thì lấy rau má giã vắt nước cốt cho vài hạt muối rồi uống, còn bã đắp hai thái dương và gan bàn chân…

Để phòng say nắng khi lao động ngoài trời, mọi người phải đội mũ nón rộng vành, tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào gáy và nên mặc quần áo rộng, chất vải thấm mồ hôi. Nếu khát, phải uống nhiều nước có pha muối, hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol. Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng say nắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.