(HNM) - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung khi trở lại công việc. Hơn nữa, việc ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất xơ, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt có ga… cũng khiến các bệnh, như: Rối loạn tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, tim mạch, đột quỵ… có nguy cơ gia tăng sau Tết.
Nhiều bệnh “ghé thăm”
Do uống quá nhiều rượu nên mùng 4 Tết, ông N.T.L. (56 tuổi ở quận Long Biên) đã phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Theo người nhà bệnh nhân, ông L. có thâm niên uống rượu hơn 10 năm, dù gia đình khuyên can nhiều lần, nhưng vẫn không từ bỏ. Đặc biệt, dịp Tết, ông L. còn uống nhiều rượu hơn trước. Hiện tại, sức khỏe của ông rất yếu, bụng chướng và được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối với tiên lượng xấu.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho rằng, việc sử dụng bia, rượu rất thường gặp trong xã hội, nhất là vào mỗi dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, không nhiều người có đầy đủ kiến thức về tác hại của bia, rượu. Trong khi đó, việc lạm dụng rượu, bia gây ra 2 nhóm bệnh lý nguy hiểm, gồm: Nhóm bệnh cấp tính như: Loạn thần rượu, hội chứng cai rượu, nguy hiểm nhất là ngộ độc cồn công nghiệp hay methanol; nhóm bệnh lý do dùng rượu kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan và các biến chứng của xơ gan.
Cứ vào dịp sau Tết, các khoa của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý liên quan tới rượu, như: Xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, hoại tử chỏm xương đùi… Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm này còn được gọi là “mùa” của xuất huyết tiêu hóa, xơ gan… do rượu. Việc lạm dụng quá nhiều rượu, bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trong đó gan bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 7 ngày nghỉ Tết (tính từ 7h sáng 29 tháng Chạp Nhâm Dần 2022 đến 7h sáng mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023) đã có 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (tăng hơn 30% so với cùng kỳ Tết năm trước), trong đó có 507 ca phải nhập viện theo dõi điều trị. Các bác sĩ dự báo, sau Tết, lượng bệnh nhân đến khám, kiểm tra các bệnh lý đường tiêu hóa thường tăng hơn trước Tết. Lý do là việc nạp vào cơ thể quá nhiều chất, ăn uống thất thường, tiệc tùng liên miên trong những ngày Tết là chất xúc tác làm trầm trọng hơn bệnh lý đường tiêu hóa, như: Đầy hơi, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, táo bón, tiêu chảy, viêm tụy cấp... Đôi lúc cũng xảy ra những trường hợp nặng hơn, như: Ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Những thay đổi trong sinh hoạt, ăn uống ngày Tết, thậm chí nhiều người bệnh mạn tính “mải vui” quên uống thuốc còn có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ..., nhất là ở thời điểm giá rét như hiện nay. Từ ngày 20 đến 26-1, tại các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội ghi nhận 64 trường hợp tử vong do tuổi cao, bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.
Còn tại Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), từ mùng 2 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày, tiếp nhận 300-350 ca cấp cứu (tăng gấp 2 lần so với bình thường), chủ yếu là các bệnh: Tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường…, trong đó có nhiều ca nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Điều đáng nói, nhiều người đã có dấu hiệu bệnh nặng, nhưng gia đình cố chờ hết Tết mới vào viện, khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh
Để phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, các bác sĩ khuyến cáo, ngay sau kỳ nghỉ Tết, mỗi người cần thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp luyện tập thể thao hợp lý, giúp thúc đẩy quá trình giảm béo, tiêu thụ năng lượng được hấp thụ quá nhiều trong những ngày Tết. Ngoài ra, bảo đảm ngủ đủ 6-8 tiếng, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ. Ngủ đủ giấc sẽ giúp con người có một tinh thần thoải mái và sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho một ngày làm việc mới đầu năm.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), trong những ngày Tết, việc ăn quá nhiều đồ ngọt, khiến gan quá tải và gây ra những tổn thương tiềm ẩn. Thậm chí, tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm, như: Đái tháo đường, tim mạch, ung thư...
“Mỗi người cần thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng tiêu hóa để giúp cơ thể khỏe mạnh. Cụ thể, gan là cơ quan thải độc tự nhiên của cơ thể. Do đó, mọi người có thể giúp gan loại bỏ độc tố bằng cách uống đủ nước. Nên uống nước khi thức dậy, sau khi hoạt động thể lực và trước khi đi ngủ để cung cấp cho gan quá trình hydrate hóa tốt, duy trì tế bào khỏe mạnh, an toàn”, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.