(HNMO) - Những ngày này, Hà Nội và một số khu vực miền Bắc rơi vào tình trạng mưa phùn, ẩm ướt. Hình thái thời tiết nồm ẩm sau Tết không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Vậy, cách nào để phòng bệnh trong điều kiện thời tiết như hiện nay?
Nhiều bệnh dễ “tấn công”
Theo PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết thay đổi từ mùa đông sang mùa xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm, khiến cho các loại vi trùng, vi rút, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp.
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, độ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước khắp nơi trong nhà, đặc biệt là trên sàn, thảm, kính cửa sổ, khiến nấm mốc và các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh. Thêm nữa, nhiều loại hình thời tiết thay đổi liên tục trong ngày như sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh.
“Trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh nền là những người có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, vi rút kém, do đó, dễ nhiễm bệnh hơn khi gặp thời tiết nồm ẩm”, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân nhấn mạnh.
Các bệnh đường hô hấp dễ mắc thời điểm này bao gồm: Viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, khởi phát cơn hen cấp. Người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch cũng dễ khởi phát triệu chứng.
Riêng với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, do tác động của không khí lạnh ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến nhóm trẻ này dễ lên cơn hen bùng phát. Bên cạnh đó, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, thực phẩm, thức ăn không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu. Khi trẻ ăn phải những thực phẩm này sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy...
“Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Vì vậy, các phụ huynh cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát. Tránh tình trạng ủ ấm quá, trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam khuyến cáo.
Thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan.
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông-xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, bệnh tim mạch… Nếu người bệnh không điều trị sớm và đúng cách thì có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9-45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi vì cúm.
Hạn chế dùng thảm trải sàn khi nồm ẩm
Vào những ngày nồm ẩm, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) khuyến cáo, các gia đình có thể xem xét sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, sao cho duy trì độ ẩm không khí 40-60% là tốt nhất. Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước gây ẩm ướt và trơn trượt, nguy hiểm khi di chuyển, do đó nên lau thường xuyên bằng khăn khô, hút ẩm tốt.
Bác sĩ Ngân cũng khuyên các gia đình hạn chế dùng thảm trải sàn trong những ngày nồm ẩm vì dễ bị ẩm mốc, gây kích ứng đường thở và nhiều bệnh khác.
“Khi ra ngoài trời trong thời tiết nồm ẩm, mưa phùn, người dân cần chú ý giữ ấm tay, chân, cổ, tránh để những bộ phận này nhiễm lạnh; đồng thời mang theo các vật dụng che mưa như ô, áo mưa, cố gắng không để bị ướt. Nếu bị ướt, cần nhanh chóng thay quần áo khô và làm ấm cơ thể ngay bằng cách uống nước ấm, uống trà gừng. Việc mặc quần áo ướt lâu sẽ khiến hơi lạnh ngấm vào cơ thể dễ gây bệnh hô hấp, thậm chí viêm phổi”, bác sĩ Ngân lưu ý.
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra cảnh báo, người đã uống đồ uống có cồn như rượu, bia tuyệt đối không ra ngoài trời lạnh, mưa phùn ẩm ướt. Bởi vì đồ uống có cồn là nguyên nhân khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt, nếu tiếp xúc với không khí lạnh rất dễ bị cảm, viêm phổi nặng, thậm chí đột quỵ, nguy hiểm tính mạng.
Riêng với cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Ngoài ra, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, duy trì luyện tập thể dục để nâng cao thể trạng. Cùng với đó, tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch.
Đối với việc phòng các bệnh hô hấp nói chung, theo PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), mọi người cần tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ, cũng như tiêm phòng bệnh hô hấp như: Tiêm vắc xin cúm hằng năm, vắc xin phế cầu 5 năm một lần.
“Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió. Do đó, mọi người cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Ngoài ra, khi đi ra ngoài, cần bảo đảm khẩu trang che mũi, miệng và cằm. Rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi xì mũi, ho, hay chạm vào động vật, sau khi thay tã lót cho em bé, sau khi xử lý rác thải, sau khi đi vệ sinh… là rất cần thiết để kịp thời loại bỏ vi rút cũng như vi khuẩn”, PGS.TS Phan Thu Phương nói.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, khi có triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, sốt, đau họng..., người dân cần đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh, không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt điều trị, không dùng lại đơn thuốc cũ. Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và biện pháp kiểm soát bệnh tốt bệnh. Nếu có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.