Văn nghệ

Để phim nhà nước chinh phục thị trườngTháo gỡ vướng mắc về cơ chế

Mộc Thanh 09/03/2024 - 17:33

Lâu nay, việc những bộ phim do Nhà nước đặt hàng thường lâm cảnh “im hơi, lặng tiếng”, thậm chí bị "xếp kho" không lâu sau khi ra mắt khán giả không khiến người quan tâm đến điện ảnh Việt bất ngờ.

Trong bối cảnh đó, diễn biến của phim “Đào, phở và piano” với cơn sốt kéo dài suốt những ngày qua đặt ra câu hỏi: Làm sao để phim Nhà nước có được thị trường bền vững?

phim-1.jpg
Đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay trong phim “Đào, phở và piano”.

Thành công đến từ “phép thử”

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ký phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước. Hai phim truyện sử dụng ngân sách nhà nước trong năm 2023 là “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ” được thí điểm ra rạp từ mùng 1 Tết.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, những năm qua, phim do Nhà nước đầu tư sản xuất có số lượng hạn chế. Mỗi năm Nhà nước đặt hàng 2 - 3 phim truyện, hơn 20 phim tài liệu, khoa học và 20 phim hoạt hình với kinh phí sản xuất thấp và không có kinh phí để phát hành, phổ biến phim. Trong khi đó, mục tiêu hướng đến của phim sử dụng ngân sách nhà nước là phải tối ưu hóa các phương thức phát hành, phổ biến như chiếu trong rạp, trên không gian mạng, tại các địa điểm chiếu phim công cộng; tuyên truyền trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm, cân đối giữa phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát hành thương mại.

“Việc phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sử dụng ngân sách nhà nước trong dịp xuân Giáp Thìn, trong đó có 2 phim truyện “Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung...” - ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Cũng là bình thường, thậm chí mặc nhiên được chấp nhận nếu như cả hai phim truyện thí điểm ra rạp trong dịp Tết tiếp tục “an phận” như nhiều phim ngân sách khác. Rất may là điều đó không tái hiện.

Ông Vũ Đức Tùng, quyền Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia bày tỏ, quá bất ngờ khi sau 5 ngày đầu tiên công chiếu, cả hai phim đều có số suất chiếu và lượng khán giả bình thường. Nhưng ngay sau đó là “cơn sốt” vé bất ngờ của “Đào, phở và piano”, khiến Trung tâm liên tục phải điều chỉnh theo hướng tăng suất chiếu nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, bởi đã xuất hiện tình trạng “cháy vé”.

“Nhằm rộng đường để phim nhà nước đến với đông đảo khán giả, rạp sẽ chiếu tới khi nào phim không còn người xem...” - ông Vũ Đức Tùng nói.

Cũng thật hiếm hoi khi một bộ phim nhà nước lọt vào tốp cao trong thống kê doanh thu của Box Office Việt Nam. Nhiều khán giả ưu ái thậm chí còn so sánh “Đào, phở và piano” với các “hoa hậu phòng vé" mùa Tết năm nay là “Mai”, “Gặp lại chị bầu”. Trên các trang mạng xã hội, nhiều khán giả chia sẻ cảm nhận, bình luận về phim. Tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, thời điểm cụm rạp này là địa chỉ duy nhất chiếu phim, hình ảnh từng hàng dài khán giả xếp hàng chờ mua vé khiến cơn sốt càng trở nên nóng bỏng. Cục Điện ảnh, dù biết gian nan nhưng đã sớm đề xuất hướng phát hành bộ phim trên toàn quốc.

Sau động thái này, hai cụm rạp tư nhân là Beta Media, Cinestar bày tỏ nguyện vọng được chiếu “Đào, phở và piano” phi lợi nhuận tại các cụm rạp, toàn bộ chi phí trong quá trình chiếu phim do các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm và doanh thu được nộp về ngân sách nhà nước. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao và đặc biệt hoan nghênh, khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh đồng hành với Nhà nước trong công tác phát hành, quảng bá, góp phần nâng tầm thương hiệu phim Việt nói chung, phim do Nhà nước đặt hàng nói riêng. Đến nay, Hà Nội có thêm hai cụm rạp cùng chiếu “Đào, phở và piano” là rạp Tháng Tám, Kim Đồng.

Việc công chúng quan tâm đến phim “Đào, phở và piano” là một tín hiệu đáng mừng. Như Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ, đưa hai bộ phim nhà nước ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán là một “phép thử” và ban đầu, Cục Điện ảnh cũng như cá nhân ông không tránh khỏi lo lắng. “Nhưng đến nay, những tín hiệu khả quan này đã cho thấy đề án thí điểm, rộng đường đưa phim nhà nước đến với công chúng là hoàn toàn đúng đắn” - ông Vi Kiến Thành khẳng định.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, bộ phim hội tụ tâm huyết của cả ê kíp làm phim, với mong muốn xây dựng một tác phẩm điện ảnh xứng tầm về Hà Nội hào hoa, lịch lãm, với những nhân vật yêu nước, thể hiện qua từng hành động cụ thể. Đây cũng là món quà mà “Đào, phở và piano” dành tặng Hà Nội.

Sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim được sản xuất dưới hình thức kết hợp công - tư, ra rạp đạt doanh thu tương đối cao, đến cơn sốt dài ngày của “Đào, phở và piano”, câu chuyện về thị trường cho phim nhà nước đã được đề cập nhiều hơn.

Giấc mơ thành hiện thực?

Chắc chắn rằng hình ảnh khán giả xếp hàng chờ mua vé “Đào, phở và piano” tại nhiều cụm rạp đã đặt câu hỏi lớn về phát triển thị trường cho phim nhà nước, xa hơn còn là phát triển công nghiệp điện ảnh từ những tác phẩm đặt hàng. Không chỉ khán giả, mà các nhà làm phim, nhà quản lý và phát hành cũng thực sự bất ngờ khi bộ phim tạo "cú twist" vô cùng ngoạn mục.

Nhiều khi thành công trên thị trường cũng phụ thuộc vào cái duyên và sự may mắn. Nhưng, bỏ qua yếu tố may mắn, chất lượng của phim đã cơ bản đáp ứng được thị hiếu của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, “Đào, phở và piano” cháy vé là một tin vui. Phim được khán giả ủng hộ do chất lượng tốt. Một bộ phim đầy mỹ cảm, tiết tấu nhanh nên phù hợp với giới trẻ. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thì cho rằng, bộ phim thành công khi thu hút đông đảo người xem đã khẳng định năng lực của đạo diễn Phi Tiến Sơn, với kịch bản hay, diễn xuất của dàn diễn viên tương đối đồng đều, ấn tượng.

Thậm chí, theo phân tích của Box Office Việt Nam, “Đào, phở và piano” là trường hợp đặc biệt nhất. Phim chỉ chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia và tạo nên một cơn sốt phòng vé đúng nghĩa. Nếu được chiếu diện rộng, liệu bộ phim có đủ sức cạnh tranh với các tác phẩm thương mại khác không?

Câu trả lời một phần sáng tỏ khi không chỉ tại Trung tâm chiếu phim quốc gia mà tại nhiều cụm rạp tư nhân cũng xuất hiện cơn sốt vé với "Đào, phở và piano". Thậm chí, sau nhiều ngày công chiếu và ngay cả khi đã san sẻ thị trường phát hành bộ phim sang hàng chục rạp chiếu khác thì Trung tâm chiếu phim quốc gia vẫn chưa thôi cơn sốt. Ông Vũ Đức Tùng cho biết, tính đến chiều 28-2, các suất chiếu phim đã chật kín cho đến hết ngày 7-3. Khách theo đoàn, số lượng vé lớn phải chờ sau ngày 15-3 mới có thể đặt mua vé.

Dù còn có những ý kiến trái chiều, và dẫu nhiều người còn bày tỏ sự băn khoăn khi đề cập đến thị trường cho phim nhà nước thì rõ ràng, nhu cầu xem “Đào, phở và piano” là có thật. Cùng “đường đua” của phim nhà nước trong dịp Tết còn có “Hồng Hà nữ sĩ”, dẫu chưa nhiều thành công và có yếu tố may mắn hỗ trợ nhưng bộ phim về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng đã ít nhiều tạo được sự chú ý. Đây là cơ hội để các phim đặt hàng trình diện công chúng thay vì "đắp chiếu, nằm kho" như không ít phim trước đó.

Dẫu “Đào, phở và piano” đã thắp sáng “giấc mơ” về một thị trường sôi động cho phim đặt hàng nhưng chắc chắn, con đường đó còn rất gian nan.

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, bộ phim được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành. Vì thế, khi chiếu trên toàn quốc thì cần thêm quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành. Đây chính là rào cản về cơ chế khiến con đường ra rạp của phim nhà nước còn khó khăn. Các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân như Beta Media, Cinestar... có thể hào hứng nhập cuộc lần này, nhưng về lâu dài thì những khoảng trống do cơ chế, chính sách cần sớm lấp đầy.

Theo nhiều chuyên gia điện ảnh, nếu được Nhà nước đầu tư một cách thích đáng, đặc biệt là với từng dự án phim, để các đơn vị sản xuất có đủ điều kiện thực hiện tốt nhất ý tưởng của bộ phim thì các tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường phim Việt.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trên cơ sở các quy định hiện hành và yêu cầu từ thực tiễn, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để phim nhà nước chinh phục thị trường Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.