(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn ODA cam kết của cộng đồng quốc tế có xu hướng tăng qua các năm cho thấy niềm tin của nhà tài trợ đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Từ năm 2006 đến nay Việt Nam được các ngân hàng quốc tế cam kết cho vay 31 tỷ USD. Đáng lưu ý là đến năm 2012, số vốn giải ngân đã tăng nhanh, đặc biệt là vốn vay cho các dự án, với mức tăng 40% so với năm 2011. Kết quả này kết hợp với lượng vốn giải ngân theo các chương trình đã nâng kết quả giải ngân từ năm 2006 đến nay lên 19 tỷ USD. Nhờ sự chuyển biến tích cực trong giải ngân nên nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, viễn thông, hệ thống cơ sở hạ tầng và năng lượng đã đi vào hoạt động, tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao quy mô, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
Từ nguồn vốn ODA, nhiều công trình thuộc lĩnh vực giao thông được xây dựng và đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Tuấn |
Theo đánh giá của các nhà tài trợ, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc giải ngân ODA và tỷ lệ giải ngân trong năm 2011 và 2012 đạt mức 25%. Đây là một thành công và có được nhờ nhiều công việc liên quan, như giải quyết thủ tục, giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện giải ngân, thi công… đã được rút ngắn thời gian. Tỷ lệ dự án không thành công được khống chế ở mức rất thấp, đồng nghĩa với mức độ khả thi của dự án bảo đảm ở mức tối đa…
Thực tế cho thấy, các vấn đề liên quan đến triển khai vốn ODA, từ lúc ký kết cho đến khi đưa được đồng vốn vào việc cụ thể luôn phức tạp, nhiều nguyên nhân có thể gây ra sự chậm trễ. Đại diện các nhà tài trợ khuyến nghị, việc gia hạn thêm cho dự án là bất đắc dĩ bởi sẽ kéo dài thời gian thực hiện, làm nảy sinh một số hệ lụy như: Chậm đưa dự án vào hoạt động, các đối tượng hưởng lợi sẽ bị thiệt thòi; chi phí giám sát và quản lý gia tăng; tăng gánh nặng trong việc chi trả các chi phí…
Vì vậy, để đáp ứng đúng tiến độ giải ngân vốn ODA, chúng ta cần xác lập và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà tài trợ, cơ quan chủ quản, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đối tượng thụ hưởng. Đây là mối quan hệ gắn bó, cùng mục tiêu cuối cùng của mỗi dự án nhưng lại có vai trò và quyền lợi khác nhau. Các bên cần thống nhất cung cách làm việc, trao đổi và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả. Theo nhiều chuyên gia, công tác GPMB luôn là thách thức lớn, nhất là đối với dự án trong lĩnh vực giao thông. Đến nay, tình trạng chậm tiến độ chủ yếu do công tác chuẩn bị lúng túng, thiếu vốn đối ứng hoặc có mức bồi thường không hợp lý. Từ đó, cần nghiên cứu khả năng áp dụng cách làm mới là đề xuất việc cấp chi phí GPMB sẽ do nhà tài trợ ODA đảm nhận đối với các dự án quy mô lớn. Các dự án nhỏ và chi phí này ở mức thấp có thể lấy từ nguồn vốn đối ứng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chậm đưa dự án có nguồn vốn ODA vào hoạt động là lãng phí nguồn lực. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương. Tính chung trên bình diện cả nước, hiện số vốn giải ngân đạt khoảng 30%-40% tổng vốn cam kết là kết quả còn hạn chế, đòi hỏi nhiều nỗ lực có tính chất đồng bộ để khắc phục tình trạng này. Những dự án, chương trình sử dụng vốn ODA thành công sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm để các dự án khác tham khảo cách làm, chú trọng áp dụng mô hình quản lý phù hợp. Đối với những dự án gặp khó khăn dẫn đến ách tắc, chậm giải ngân phải quan tâm đôn đốc và chủ động giao ban định kỳ với ban quản lý dự án để nắm bắt tình hình, tìm biện pháp thúc đẩy tiến độ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.