(HNM) - Thời gian qua, công tác phát triển hệ thống cây xanh luôn được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư, góp phần cải thiện môi trường sống của cư dân đô thị, tạo cảnh quan, làm đẹp đường phố. Cùng với đó, thành phố còn chú trọng thực hiện quản lý, duy tu, chăm sóc hệ thống cây xanh sẵn có, để những mảng xanh... thêm xanh trên các tuyến đường, khu dân cư.
Tạo cảnh quan đồng bộ
Hiện nay, đi trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, người dân cảm nhận rõ những đổi thay từng ngày. Cùng với chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 (về đích sớm trước 2 năm) và trồng bổ sung 600.000 cây xanh giai đoạn 2019-2020, hàng loạt cây xanh đã được trồng mới, thay thế, phủ xanh nhiều tuyến phố, trục đường giao thông, khiến cảnh quan đô thị trở nên xanh hơn, đẹp hơn. Đặc biệt, nhiều tuyến đường như: Kim Mã, Láng, Giảng Võ, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt,... được cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung hệ thống cây bụi, mảng, khóm, cây hoa, đã tạo bước đột phá về không gian, tạo mỹ quan, cảnh quan đồng bộ.
Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 6-2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.581.000 cây đô thị, cây bóng mát; 136.653 cây bụi, cây đơn lẻ, khóm; 435.240m2 cây mảng, thảm cỏ. Công tác duy tu, chăm sóc cây xanh, cây hoa cũng được các đơn vị duy trì thường xuyên, tuân thủ theo Quyết định số 7109/QĐ-UBND ngày 26-12-2016 của UBND thành phố về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá duy trì công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tại phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), từ năm 2019, vỉa hè hai bên tuyến phố đã được cải tạo thành vườn hoa đẹp mắt. Đang chăm chú cắt tỉa cành khô, lá già, chị Nguyễn Thị Yến, công nhân Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành chia sẻ: "Công tác chăm sóc cây xanh được chúng tôi duy trì đều đặn như tưới nước, nhổ cỏ; cắt sửa tạo tán; bổ sung đất màu; trồng dặm cây chết, thay cây xấu, kém phát triển...".
Là đơn vị trúng thầu thực hiện duy tu, duy trì hệ thống cây xanh với khối lượng lớn nhất trên địa bàn thành phố, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết: Công tác chăm sóc cây xanh được phân chia thành từng loại: Cây bóng mát, cây mảng, cây cảnh... Trong đó, với cây bóng mát, trong 2 năm đầu sau khi trồng, công việc này đòi hỏi duy trì cao hơn như: Dựng cọc chống để cây không bị nghiêng, long gốc; tưới nước, bón phân, quét vôi gốc cây... Qua 2 tuổi, cây đã phát triển ổn định, tự sống được nên chỉ duy tu cắt sửa cành. Với cây mảng, cây cảnh, công tác chăm sóc đòi hỏi thường xuyên hơn. “Do đặc thù thời tiết tại Hà Nội nóng ẩm, nên nhiều chủng loại cây xanh thường có hiện tượng bị sâu bệnh phá hại khi mọc lá non. Do đó, công ty cũng định kỳ phun thuốc, xử lý đặt thuốc phòng trừ sâu bệnh phát triển trên nõn”, ông Nguyễn Đức Mạnh thông tin.
Thực hiện nhiều giải pháp
Số liệu về kết quả công tác chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho thấy: Các đơn vị đã thực hiện cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá, cắt tỉa tán, hạ độ cao 67.030 cây bóng mát trên các tuyến phố; trồng bổ sung 320 cây bóng mát; duy
trì chăm sóc 153.904m2 cây cảnh khóm, 366.988m2 cây mảng; 26.939m2 hoa lưu niên; 6.983m2 hoa thời vụ. “Đối với cây bị nấm, sâu bệnh, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị thực hiện quản lý, duy tu duy trì cây xanh thực hiện các biện pháp diệt nấm, sâu bệnh, bảo đảm sinh trưởng cho cây”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.
Cụ thể, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã thực hiện cắt tỉa cành già, cành bệnh, phun thuốc, đặt thuốc xử lý sâu bệnh kèm kích thích ra lá cho 5.516 cây trên các tuyến phố; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành thực hiện cắt tỉa cành già, cành bệnh, phun thuốc... cho 205 cây. Nhiều cành cây bóng mát sau khi cắt tỉa từ cành, gỗ mục được các đơn vị nghiền, trộn, ủ 6 tháng, sử dụng làm phân bón hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Bên cạnh đó, từ năm 2019, Sở Xây dựng đã chỉ đạo một số đơn vị tự bỏ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động và bán tự động tại một số vị trí, khu vực có sẵn nguồn điện và nước như Đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao thông Long Biên... nhằm tăng cường hiệu quả việc tưới cây, giảm thiểu chi phí duy trì. Quá trình thực hiện cho thấy, việc tưới tự động bước đầu cho kết quả tốt, nước được phun đồng đều, nhẹ, nhỏ giọt nên khả năng thẩm thấu vào đất rất cao. Đây là căn cứ để Sở Xây dựng đề xuất nghiên cứu triển khai nhân rộng thêm nhiều tuyến phố...
Có thể nói, cùng với công tác trồng cây xanh, cây hoa, cây cảnh trên các tuyến phố, việc thường xuyên thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, áp dụng nhiều sáng kiến chăm sóc cây đã và đang góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.