Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhân dân tham gia xây dựng chính sách hiệu quả

Hồ Bách| 03/03/2012 06:55

(HNM) - Nhằm công khai, minh bạch chủ trương, chính sách của Nhà nước, giúp người dân được biết, bày tỏ ý kiến, tham gia xây dựng chính sách, cuối tháng 2 vừa qua, Trung tâm Thông tin thư viện và Nghiên cứu khoa học - Văn phòng Quốc hội đã khai trương trang web http://duthaoonline.quochoi.vn, công bố rộng rãi và lấy ý kiến đối với 100% các dự án luật và các báo cáo thẩm tra có liên quan.


Rõ ràng, đây là yêu cầu tất yếu của công cuộc xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời cũng là việc thực hiện trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội trong việc công bố các dự án, dự thảo xin ý kiến cộng đồng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đi vào hoạt động qua cổng thông tin này, Trung tâm Thông tin thư viện và Nghiên cứu khoa học đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của người dân đối với một số văn bản. Tất cả góp ý của độc giả đều được Trung tâm nghiên cứu, lựa chọn và tiếp thu, gửi đến các Ủy ban của Quốc hội phục vụ công tác thẩm tra, xem xét, chỉnh lý các dự án luật, giúp cho văn bản sau khi được thông qua sẽ có tính khả thi cao hơn, hạn chế được bệnh chủ quan, áp đặt từ phía nhà quản lý. Từ đó, tránh được hiện tượng một bộ phận nhỏ người dân phản ứng khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng dưới tác động của văn bản.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện và Nghiên cứu khoa học cho biết, dù lượng truy cập lớn nhưng vẫn còn có dự thảo sau khi đăng tải nhận được ít thông tin phản hồi. Câu hỏi đặt ra là, một kênh thông tin quan trọng và có ý nghĩa như vậy nhưng tại sao một bộ phận người dân chưa quan tâm đúng mức?

Và đáp án đã sáng tỏ khi các chuyên gia pháp chế của Bộ GD-ĐT truy cập web kể trên. Kết quả cho thấy, hiện nay Trung tâm mới chỉ đơn thuần là công khai thông tin dự thảo văn bản pháp luật trên website, nhưng chưa cung cấp nhiều thông tin liên quan đến từng dự thảo. Trong khi đó, không phải người dân nào cũng có thời gian đọc hết hồ sơ dự thảo văn bản và hiểu được tinh thần của dự thảo. Theo kinh nghiệm của Bộ Tư pháp - cơ quan "gác cổng pháp luật" và thường xuyên tham vấn ý kiến người dân về chính sách hiện hành, để thu hút các tầng lớp trí thức, công, nông dân tham gia phản biện nội dung văn bản pháp luật, hình thức đăng tải xin ý kiến nên gọn, rõ, đơn giản thay vì toàn văn dự thảo dài đến hàng chục trang. Thứ hai, cần phân tích đối tượng nào chịu tác động nhiều nhất khi mỗi dự án luật được thông qua, để từ đó nhân dân có cơ sở chọn lọc từng nội dung phù hợp với quyền lợi sát sườn và góp ý theo suy xét của mình. Khoanh vùng được điều này cũng sẽ giúp Chính phủ, Quốc hội có thêm kho thông tin đa dạng về khó khăn cũng như lợi ích của người dân và cân nhắc kỹ càng hơn khi hoạch định từng chính sách. Tiếp nữa, khi đã lấy ý kiến người dân rồi thì dứt khoát phải có phản hồi, chỗ nào không tiếp thu được thì phải giải thích vì sao.

Khi đó, chắc chắn việc lấy ý kiến người dân về các văn bản luật sẽ có chuyển biến về chất lượng và cả số lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhân dân tham gia xây dựng chính sách hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.