(HNM) - Lần đầu tiên trên thị trường, gói vay có trị giá lớn (20.000 tỷ đồng) trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng được triển khai dành riêng cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc. Qua đó, tăng cường phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động, từng bước xóa bỏ tình trạng “tín dụng đen”. Song, hiện nay, số doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính này vẫn còn rất ít.
Đánh giá kết quả bước đầu, việc triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Công ty TNHH HD SAISON (HD Saison) và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) về cung cấp 3 gói vay cho đoàn viên, người lao động đạt kết quả tích cực. Theo Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Thị Thanh Hà, 9/11 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ với HD Saison và FE Credit, trong đó, 6 đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc triển khai thực hiện. Đến ngày 31-1-2023, tổng số tiền giải ngân là 143,7 tỷ đồng với 9.822 lượt đoàn viên, lao động vay vốn. Bình quân mỗi người sử dụng sản phẩm, dịch vụ với giá trị hơn 11 triệu đồng, góp phần không nhỏ từng bước đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân lao động.
Thực tế trên cho thấy, thông qua hoạt động hợp tác, thể hiện rõ sự đổi mới, nhanh nhạy, kịp thời trong hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. Song, nếu làm phép tính số doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính này so với tổng số đoàn viên, người lao động thuộc các địa phương triển khai thì lượng hưởng thụ còn rất ít.
Bà Trần Thị Thanh Hà cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gói vay 20.000 tỷ đồng chưa nhận được sự quan tâm, tin tưởng của các công nhân lao động. Đó là, lãi suất của các sản phẩm, dịch vụ tuy có ưu đãi nhưng vẫn còn cao so với khả năng thanh toán của nhiều người. Một số địa phương, doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt; thông tin về sản phẩm, dịch vụ chưa chính xác…
Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh) Trần Văn Hiệu đề xuất 2 công ty tài chính cần điều chỉnh lãi suất theo hướng cụ thể và ở mức thấp hơn; phối hợp tổ chức hội nghị triển khai riêng tới các cấp công đoàn, trong đó tập trung vào công đoàn cơ sở có đông công nhân; hướng dẫn chi tiết các gói dịch vụ, thủ tục quy trình cho vay, thu nợ để cán bộ công đoàn các cấp thông hiểu, triển khai tới đoàn viên, người lao động...
Ủng hộ chủ trương trên, chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân lao động đang thuê trọ ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đề nghị, nên hạ lãi suất hơn nữa, mở rộng nhanh đến nhiều tỉnh, thành phố, để gói vay thể hiện đúng tính chất “phúc lợi”, là sự quan tâm chia sẻ, thấu hiểu, đồng cảm với những công nhân khó khăn.
Được biết, tháo gỡ những bất cập trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thành lập Tổ triển khai thỏa thuận hợp tác. Trước mắt, tổ sẽ làm việc với một số địa phương lớn, chậm triển khai để hỗ trợ kịp thời, thống nhất cách thức, lộ trình thực hiện. Đồng thời xây dựng kênh tiếp nhận phản ánh, đề xuất hoặc khiếu nại trực tiếp từ đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở, làm căn cứ để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.