(HNMO) - Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan xung quanh vấn đề này.
Không gian mua sắm an toàn
- Xin bà cho biết các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở kinh doanh thương mại?
- Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, ban quản lý, khai thác chợ trên địa bàn thành phố triển khai công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở thương mại. Các biện pháp theo khuyến cáo của ngành Y tế là bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, sát khuẩn tay và phun khử trùng bề mặt thường xuyên tiếp xúc… Mục tiêu đặt ra là tạo không gian mua sắm an toàn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
- Các cơ sở kinh doanh thương mại đã triển khai các biện pháp trên như thế nào, thưa bà?
- Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã kiểm tra thường xuyên công tác phòng, chống dịch Covid-19 toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn Hà Nội.
100% hệ thống phân phối và siêu thị trên địa bàn đã báo cáo về việc triển khai công tác phòng, chống dịch; bố trí nhân viên tại các cửa ra vào để đo thân nhiệt, kiểm soát 100% khách ra vào phải đeo khẩu trang… Việc vệ sinh quầy, kệ, sàn nhà, xe đẩy hàng… được tăng cường. Khu vực tập trung đông người được khử khuẩn liên tục. Nhiều trung tâm thương mại còn lắp thêm tấm chắn ngăn cách giữa khách hàng và nhân viên ở quầy thanh toán. Hệ thống phát thanh thường xuyên phát khuyến cáo người dân chú ý giữ khoảng cách.
Đối với người lao động, nhân viên bán hàng, 100% thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, như đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay sát khuẩn… Các doanh nghiệp phân phối cũng áp dụng biện pháp kiểm soát an toàn hàng hóa; phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên phương tiện vận chuyển hàng hóa, sát khuẩn hàng hóa trước khi giao hàng… Đặc biệt, việc kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh như một giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời tăng doanh số bán hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Nhìn chung, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 đã trở thành thói quen của hầu hết người dân...
Hàng hóa dồi dào
- Xin bà cho biết, công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết đã được Sở Công Thương Hà Nội triển khai như thế nào?
- Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đến nay, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố; 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp hóa, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể...
Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7-22% so với năm trước, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với Sở Y tế bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 để cập nhật và tổ chức triển khai có hiệu quả phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và ứng phó với dịch Covid-19.
- Bà đánh giá thế nào về tình hình thị trường những ngày qua?
- Giá hàng hóa năm nay không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart, Lotte, MM Mega Market… đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa thiết yếu bảo đảm phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cùng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá.
Còn tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng không có nhiều biến động do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, nguồn hàng không thiếu, không xảy ra tình trạng “sốt hàng” hoặc giá cả tăng cao đột biến.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương có giải pháp gì để bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân?
- Sở đang xây dựng phương án cung ứng hàng hóa trong phòng, chống dịch cho người dân với 3 cấp độ: Cấp độ thứ nhất là dịch bệnh đang diễn biến theo tình hình hiện nay; cấp độ hai là dịch bệnh có mức độ lây lan rộng và cấp độ ba là nguy cơ lây lan trên diện rộng trong cộng đồng. Nguồn hàng bảo đảm dự trữ trong 3 tháng, có tổng trị giá là 194.000 tỷ đồng.
Chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ các đơn vị phân phối đưa đầy đủ hàng hóa từ các tỉnh về kho hàng tại Hà Nội để phòng trường hợp các tỉnh khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng dịch; đồng thời bố trí hơn 1.500 điểm sẵn sàng dự trữ hàng và bán hàng phục vụ nhân dân khi dịch bệnh lan rộng.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Sở Công Thương, hầu hết các siêu thị đều mở cửa đến 12h ngày 30 Tết và hoạt động trở lại từ mùng 2 đến mùng 4 Tết. Trong ngày hôm nay (10-2, tức 29 tháng Chạp), các siêu thị đều mở cửa đến 23h phục vụ nhân dân mua sắm hàng hóa.
Riêng siêu thị Aeon Long Biên và Hà Đông hoạt động từ 8h đến 20h ngày 30 Tết; mở cửa từ 12h đến 22h ngày mùng 1 Tết. Các ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết, siêu thị phục vụ khách từ 8h đến 22h.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.