(HNM) - Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 40 dự án xây dựng nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn từ các nguồn đã được đầu tư.
Dự kiến sẽ có trên 650.000m2 mặt sàn góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 55.000 người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Cũng theo tính toán, riêng Hà Nội cần tới 200.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp. Và chắc chắn, vào thời điểm này, con số trên đã lạc hậu. Nêu vậy để thấy vấn đề lo chỗ an cư cho người có thu nhập thấp là rất cấp bách. Tuy nhiên trong hoàn cảnh cầu cao hơn cung như hiện nay, điều lo ngại là làm sao để nhà ở cho người thu nhập thấp đến được đúng đối tượng trong diện này.
Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Quyết định 67/2009/QĐ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Trong quyết định này quy định rõ đối tượng và điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp. Tháng 8-2010 UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND, quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Tuy nhiên phải thừa nhận đây là một vấn đề mới do đó sẽ phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình áp dụng. Vụ việc mua bán trái phép nhà ở cho người có thu nhập thấp tại dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) vừa qua chỉ là một ví dụ trong nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai chính sách xã hội có ý nghĩa nhân văn đặc biệt này. Và cho đến nay, một số quy định vẫn cần được tiếp tục điều chỉnh để phù hợp, khó khăn nhất là việc xác định đúng đối tượng - tức người có thu nhập thấp.
Hiện nay các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp có giá bán từ 6 đến 10 triệu đồng một mét vuông và giá một căn hộ vào khoảng 500-600 triệu đồng. Muốn mua một căn hộ như vậy, khách hàng phải trả trước 1/3 số tiền, ít nhất cũng vào khoảng 150 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ phải vay ngân hàng với lãi suất ít nhất là 1% mỗi tháng. Người ta đã tính toán, trong trường hợp đó, người vay phải trả tiền gốc khoảng 3 triệu đồng (giả sử thời gian vay là 10 năm), thêm 3,5 triệu đồng nữa để trả lãi suất ngân hàng, tổng cộng là 6,5 triệu đồng. Theo nguyên tắc nợ chiếm bằng hoặc ít hơn một nửa thu nhập là hợp lý thì tính ra thu nhập của người vay tức đối tượng có thu nhập thấp phải có tổng thu mỗi tháng trên 13 triệu đồng. Hằng tháng có thu nhập đều đều như thế mà được xếp vào dạng người có thu nhập thấp thì chắc chắn nhìn vào thu nhập bình quân đầu người của nước ta, nhiều quốc gia trên thế giới phải nể phục. Tuy nhiên, nếu như thế, không biết đến bao giờ hàng triệu công nhân của chúng ta đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất với mức lương trung bình khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng mới được xếp vào loại đối tượng có "thu nhập thấp" ở mức 13 triệu đồng/tháng để còn có hy vọng "giấc mơ" an cư thành hiện thực ?
Cũng bởi vì chưa chuẩn diện đối tượng chính sách, các quy định chưa loại bỏ được những yếu tố có thể bị lợi dụng nhằm vụ lợi, chưa rõ ràng trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và chủ đầu tư... nên trong khi nhiều người thu nhập thấp không có điều kiện tiếp xúc với dự án nhà ở xã hội này thì đây đó lại còn có những trường hợp chủ căn hộ nhà ở thu nhập thấp là người có thu nhập không thấp, tức là lương hằng tháng còn vượt xa cái mốc 13 triệu đồng đã nêu ở trên. Và ngay như tại dự án CT1 Ngô Thì Nhậm, hiện nay vẫn còn trên 20% chủ các căn hộ - những người lý ra đang có nhu cầu bức bách về nhà ở - lại dùng dằng chưa dọn đến ở...
Có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần học tập một số quốc gia đang thực hiện việc phát triển loại hình nhà ở cho thuê, hình thành các quỹ nhà do Nhà nước đầu tư và quản lý, từ đó hỗ trợ trực tiếp cho người có thu nhập thấp thuê nhà và đáp ứng nhu cầu của số đông trong xã hội. Đây cũng là cách bảo đảm sự công bằng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, tránh tình trạng có nhu cầu nhưng lại không được xếp vào diện có thu nhập thấp để được mua nhà, trong khi người được mua nhà thu nhập thấp lại có thu nhập hoàn toàn... không hề thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.