Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị kéo dài 2 năm thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

T.Hoa| 05/11/2018 17:11

(HNMO) - Ngày 5-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu thảo luận về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

thực hiệnthí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. 


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 


Ngày 22-11-2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo nghị quyết, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2017 và yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ sáu cuối năm 2018.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai việc thí điểm, báo cáo kết quả và trình Quốc hội cho phép tiếp tục thí điểm thêm hai năm, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2019. Chính phủ đồng thời đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này. 


Đóng góp vào báo cáo của Chính phủ, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, hai năm thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân của 46 nước là chủ trương đúng đắn, thực hiện đổi mới về thủ tục hành chính trong xuất, nhập cảnh của Việt Nam. Việc kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ đã bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, góp phần thu hút hơn nữa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước và đây cũng chính là việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo cấp độ 4. Chúng ta đã giảm được nhiều vấn đề về phiền hà, tiêu cực cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là việc thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Việc làm này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội)


Nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua thị thực điện tử rất thấp. Trong khi đó, những nguyên nhân mà Chính phủ đưa ra về hạn chế của công tác này chưa thực sự thuyết phục. Đại biểu băn khoăn, phải chăng do sự tuyên truyền và phối kết hợp giữa các bộ, ngành chưa thực sự tốt.

"Điều lo lắng nhất mà các đại biểu Quốc hội khi ấn nút thông qua nghị quyết thí điểm này là vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng. Qua 2 năm, theo báo cáo của Chính phủ, nội dung này hoàn toàn không có vấn đề, không phải lo lắng gì và không xảy ra vấn đề gì. Điều đó chúng tôi thấy yên tâm nhất" - Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) bày tỏ.

Về nghị quyết, đại biểu đề nghị không nên làm nghị quyết riêng mà đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp này.

Giải trình làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu, về hiệu quả kinh tế, qua tổng kết, phí thu được từ thí điểm cấp thị thực điện tử là gần 200 tỷ đồng. Do vậy, nếu tiếp tục triển khai thực hiện, nguồn kinh phí thu được từ thị thực điện tử chắc chắn sẽ cao hơn. Mặt khác, việc tiếp tục cấp thị thực điện tử sẽ thu hút hơn nữa người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật, an ninh, an toàn cho hệ thống, Bộ trưởng cho biết, hệ thống cấp thị thực điện tử vận hành ổn định, an ninh, an toàn được bảo đảm.

Về thời hạn tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử là 2 năm (kể từ ngày 1-2-2019 đến ngày 31-10-2021), Bộ trưởng lý giải, vì thời điểm này sẽ sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài vào Việt Nam. Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thành lập ban soạn thảo và bắt tay vào sửa đổi luật theo đúng tiến độ.

Bộ trưởng cũng khẳng định, với lực lượng như hiện nay, khi tiếp tục triển khai việc cấp thị thực điện tử không cần phải bổ sung nhân lực.

Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ phát biểu điều hành phiên thảo luận


Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm đồng ý với đề xuất của Chính phủ về thời gian kéo dài thêm không quá 2 năm, kể từ ngày 1-2-2019. Trong thời gian đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài vào Việt Nam để quy định vấn đề này.


Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30, Quốc hội lưu ý Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai các danh mục mà các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh văn bản và nội dung đề nghị Quốc hội cho phép quy định trong nghị quyết chung của kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị kéo dài 2 năm thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.