Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1 năm

V.A| 03/11/2010 16:40

(HNMO) - Trong tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều, trong đó đề nghị quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là một năm.

Trong tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm.

Đáng chú ý, về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, do được bán chủ yếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp; không tổ chức công bố thông tin công khai, do đó dự luật sửa đổi quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là một năm. Mặt khác, Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định các đợt chào bán cổ phần, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng.


Về chào bán chứng khoán ra công chúng, Dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng theo hướng khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra công chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Về chào mua công khai, do Luật Chứng khoán hiện hành đã có quy định về chào mua công khai (cả về đối tượng và tỷ lệ vốn). Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động thị trường cũng có bất cập nhất định, nên dự thảo Luật sửa lại theo hướng vẫn giữ tỷ lệ 25% theo Luật hiện hành nhưng có quy định rõ về các mức phải chào mua công khai như: chào mua dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; tổ chức, cá nhân đã nắm giữ từ 25% trở lên số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng có ý định mua tiếp từ 10% trở lên hoặc mua từ hai đợt trở lên với tỷ lệ từ 5% đến dưới 10% trong vòng 1 năm.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng nêu rõ các trường hợp ngoại trừ không phải chào mua công khai để đảm bảo rõ ràng trong việc thực thi, như: việc mua hoặc nhận cổ phần dẫn đến sở hữu trên 25% nhưng đã được đại hội đồng cổ đông thông qua; chuyển nhượng cổ phần trong cùng tập đoàn,... Dựa vào nguyên tắc trên, giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chào mua công khai.

Về liên kết thị trường chứng khoán với các quốc gia khác, để có căn cứ pháp lý cho hoạt động này, Dự thảo Luật bổ sung quy định Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện liên kết với các Sở giao dịch chứng khoán của các quốc gia khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (bổ sung khoản 4 Điều 33).

Luật Chứng khoán được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007. Qua hơn 3 năm thực hiện, quy mô, tính thanh khoản của thị trường được mở rộng. Tính đến hết năm 2009, mức vốn hóa thị trường đạt 37,6% GDP, tăng 3 lần so với năm 2008. So với thời điểm năm 2005, khối lượng giao dịch tính đến hết năm 2009 tăng gấp 96 lần, số lượng các công ty niêm yết là 457, tăng 11,1 lần.

Thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp, Chính phủ đã huy động vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Riêng 3 năm qua, tổng khối lượng huy động vốn qua thị trường chứng khoán gần 200.000 tỷ đồng, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng gần 2 lần từ mức 4,5 tỷ USD trong năm 2007 lên gần 9 tỷ USD trong năm 2009.

Nhờ có thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch. Trong 3 năm qua, số lượng các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa theo hình thức đấu giá trên hai Sở giao dịch chứng khoán là 206 doanh nghiệp, số lượng cổ phần chào bán đạt trên 1.147 triệu cổ phần; giá trị đạt gần 60 nghìn tỷ đồng.

Về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, dự thảo luật bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán đối với công ty quản lý quỹ, quy định cấm thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp phép, bổ sung quy định cho phép công ty chứng khoán được phép nhận ủy thác của khách hàng trong việc quản lý giao dịch chứng khoán trên tài khoản nhà đầu tư cá nhân trên cơ sở hợp đồng ký giữa công ty với từng khách hàng, để minh bạch và có cơ sở quản lý, kiểm tra, giám sát…

Về công bố thông tin trên TTCK, dự thảo Luật yêu cầu công bố thông tin theo quy mô của công ty đại chúng (mức vốn điều lệ, số lượng cổ đông của công ty) mà không phân biệt giữa công ty đại chúng và tổ chức niêm yết nhằm đảm bảo tất cả các công ty quy mô vốn lớn đều phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ và ở mức cao hơn so với công ty có quy mô vốn nhỏ. Quy định này góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đưa chứng khoán vào niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, đảm bảo công bố thông tin đầy đủ. Đồng thời Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán như tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật vẫn còn hạn hẹp, chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để, một số bất cập hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, như số lượng các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời trong những năm qua rất lớn, trong đó có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, đã gặp nhiều khó khăn khi thị trường có biến động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam mà một trong những nguyên nhân của thực trạng này là điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo quy định của Luật hiện hành quá dễ dàng.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hoạt động nhưng phải quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Về quy định việc chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm; các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung tổ chức chào bán chứng khoán riêng lẻ vào đối tượng thanh tra và bổ sung hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ vào phạm vi thanh tra, nhằm góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra và xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm các quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Về quy định Trung tâm lưu ký chứng khoán và người có liên quan có nghĩa vụ công bố thông tin; quy định công ty đại chúng có quy mô lớn cũng phải công bố thông tin như công ty niêm yết, Ủy ban đề nghị nên có quy định riêng về công bố thông tin áp dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm tránh tình trạng một số thông tin xấu về hoạt động ngân hàng có thể gây tâm lý bất lợi cho thị trường, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.

Về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của các TCTD, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tạo điều kiện để các TCTD thực hiện chương trình tăng vốn, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về vốn pháp định trong những năm tới đây nhằm nâng cao năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng, Ủy ban Kinh tế đề nghị không áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán hiện hành đối với các TCTD trong trường hợp TCTD phát hành cổ phiếu để tăng vốn theo yêu cầu.

*Cũng trong chiều nay,
Quốc hội đã nghe và thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2011. Theo đó, năm tới, Quốc hội dự kiến tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau:

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII: Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.