(HNMO) - Sáng 15-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Dự án luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Dự án luật cũng nhằm hoàn thiện các quy định nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Đáng lưu ý, dự án Luật bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Cân nhắc việc cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”
Thảo luận tại tổ trong sáng nay về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là yêu cầu thực tiễn của đời sống, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi kinh tế, dịch vụ này là cần thiết. Do đó, đại biểu cho rằng, không nên cấm loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, cần có các quy định đầy đủ hơn, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện dịch vụ này để bảo đảm an ninh trật tự, quản lý nhà nước và không để dịch vụ bị biến tướng.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị không nên để tên là “dịch vụ đòi nợ” vì hàm chứa yếu tố bạo lực, có thể đổi sang tên khác như “dịch vụ xử lý nợ”, trong đó bao gồm tư vấn nợ và đòi nợ.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thực tế cuộc sống, dịch vụ này là tốt và đã có đủ hành lang pháp lý để bảo đảm người thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật.
“Nếu e ngại dịch vụ này biến tướng theo chiều hướng xấu thì đã có các lực lượng chức năng xử lý. Do đó, cần cân nhắc để dịch vụ này vẫn tồn tại nhưng bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật”, đại biểu nêu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần có tổ chức trung gian để thu hồi nợ cho các doanh nghiệp, ngân hàng... Mặc dù thời gian qua, dịch vụ này có nhiều biến tướng, nhưng trước tiên, người đứng đầu doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật...
Dịch vụ đòi nợ bị biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy
Ủng hộ việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) nhấn mạnh, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, gây nhiều hệ lụy.
"Qua đánh giá gần đây, các địa bàn nở rộ loại dịch vụ này như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đều có nhiều diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự", đại biểu cho hay.
Theo phân tích của nữ đại biểu Đoàn Long An, đối với những khoản nợ không tuân thủ quy định pháp luật giữa người dân với người dân hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp..., chủ nợ thường không tìm đến cơ quan pháp lý để được hỗ trợ, giải quyết, không đi theo con đường tố tụng mà thường tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê, thậm chí bán nợ cho các công ty này với tỷ lệ rất cao, hơn 50%, nhưng đổi lại, họ sẽ đòi được nợ.
Làm rõ thêm về nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong thảo luận tại tổ, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, trên thực tế, nhu cầu đòi nợ thuê là có và được phân ra 2 loại: Tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của dịch vụ này là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi được các khoản nợ. Mặt tiêu cực là nhiều biến tướng khi tín dụng đen nở rộ và sử dụng xã hội đen để đòi nợ.
Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Công an đã đề nghị cấm dịch vụ này nếu không sẽ rất phức tạp cho xã hội.
Cũng trong sáng 15-11, các đại biểu còn góp ý về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự án Luật sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương về hộ kinh doanh, quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh, như: Chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
Đáng chú ý, quy định đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp được nhiều đại biểu ủng hộ. Các đại biểu cho rằng, quy định này sẽ giúp hoạt động của đối tượng này chuyên nghiệp hơn và các cơ quan quản lý cần có thêm chính sách ưu đãi để các đối tượng này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.