(HNM) - 16h ngày 27-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Nguồn: Internet |
- Xin Chủ tịch cho biết trọng tâm công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII sau Đại hội này là gì?
- Đại hội đã thông qua Nghị quyết với 5 chương trình hành động rất rõ ràng. Cá nhân tôi và các đồng chí trong Ban Thường trực sẽ cố gắng hết sức bằng tâm huyết của mình bám sát Nghị quyết, các chương trình hành động để phân công nhiệm vụ, phân công công tác, làm sao để thực hiện thắng lợi các nội dung đã đề ra. Ngay sau Đại hội, Ban Thường trực sẽ triển khai Nghị quyết Đại hội xuống cơ sở, để MTTQ các cấp cụ thể hóa thành chương trình hành động năm 2015.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành TƯ Đảng giao nhiệm vụ cho MTTQ Việt Nam. Những điều hết sức giản dị, ngắn gọn, sâu sắc mà chúng tôi thấm thía và sẽ thực hiện là "làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Chúng tôi cũng sẽ tập trung làm tốt nhiệm vụ mới là giám sát và phản biện xã hội. Một năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Chúng tôi đã phối hợp ký kết 4 chương trình giám sát, nhưng mới làm sâu được 1 chương trình. Ngay sau Đại hội, chúng tôi sẽ triển khai làm tiếp những chương trình còn lại.
- Nhân dân tin tưởng, với việc cụ thể hóa Hiến pháp mới, trong thời gian tới, hoạt động giám sát, phản biện xã hội sẽ được MTTQ các cấp tích cực thực hiện, nhưng làm sao để tạo ra sự đột phá?
- Chúng tôi sẽ phải cân nhắc, lượng sức mình để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Vì Mặt trận làm giám sát rất khó. Chúng tôi không thể bắt các cơ quan, tổ chức phải báo cáo, cung cấp thông tin cho mình. Chưa kể, giám sát cần chuyên môn, nhưng cán bộ Mặt trận thường không có chuyên môn sâu về mọi lĩnh vực. Do đó, chúng tôi phải dựa vào các tổ chức thành viên, kết hợp với các bộ, ngành để thực hiện giám sát. Vừa qua, chúng tôi đã giải quyết khó khăn này bằng cách ký kết các chương trình giám sát với các bộ, ngành. Đối với phản biện xã hội cũng vậy, chúng tôi cũng phải cân nhắc, năng lực làm được đến đâu làm chắc đến đó, không làm quá sức để xảy ra tình trạng hình thức.
- Thành phần 30 ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII có gì nổi bật? Theo Chủ tịch, làm sao để mỗi ủy viên sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động?
- Trong số 30 ủy viên, lần đầu tiên có hai tiểu thương, một người ở chợ Đồng Xuân, một người ở chợ Bến Thành. Ngoài ra còn có đại diện là người dân sống ở vùng biển đảo và nông dân làm kinh tế hợp tác. Đại hội đã thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Trong đó, lần đầu tiên, Điều lệ đã xác định 7 quyền và 5 trách nhiệm của cá nhân các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đặc biệt, các ủy viên có trách nhiệm tiếp thu, phản ánh ý kiến của giới, tổ chức mà mình đại diện với cấp ủy, chính quyền cũng như phản ánh tại các hội nghị của Mặt trận các cấp.
- Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận rất quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có dự định gì để tập hợp đoàn kết đồng bào, thưa Chủ tịch?
- Tại Đại hội lần này, lần đầu tiên có một ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chúng tôi cũng đã xác định 3 trục chính để tập hợp đoàn kết đồng bào. Thứ nhất là hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công thực hiện công tác "đối ngoại và kiều bào" theo một chương trình chung do Mặt trận đề ra. Thứ hai là phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện Đề án cấp quốc gia về chăm lo đời sống văn hóa dân tộc trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lấy phụ nữ làm trung tâm. Thứ ba là phối hợp với Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam tạo diễn đàn khoa học để tập hợp, thu hút kiều bào ta đóng góp trí tuệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam!
5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2019 Chương trình 1: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chương trình 2: Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Chương trình 3: Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Chương trình 4: Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế. Chương trình 5: Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.