Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để luôn duy trì nghiêm kỷ luật công vụ

Đức Tâm| 17/05/2021 06:24

(HNM) - Những ngày này, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở nhiều địa phương cũng đã bộc lộ những lỗ hổng về ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật công vụ của một số cán bộ, đảng viên. Điều đó càng cho thấy, việc ngăn chặn vi phạm, duy trì kỷ luật công vụ một cách hiệu quả luôn là đòi hỏi cấp thiết.

Kỷ luật được hiểu là những quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành phù hợp với quy định của pháp luật, buộc mọi thành viên trong bộ máy phải tuân thủ; nhằm ngăn ngừa những hành vi sai trái thói hư, tật xấu, chủ nghĩa cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, chất lượng hoạt động của tập thể. Thực tế đã chứng minh, nơi nào, ở đâu duy trì tốt kỷ luật, kỷ cương thì ở đó khả năng vi phạm pháp luật được hạn chế, ngăn chặn.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã nhận định: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu". Đặc biệt, khi nghiên cứu 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra thì những biểu hiện ấy đều có bóng dáng của hiện tượng chấp hành kỷ luật công vụ hạn chế, thậm chí là coi thường.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho biết, giai đoạn 2016-2019, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật 45.990 đảng viên ở các hình thức. Đáng chú ý là, sau khi Trung ương làm mạnh về vấn đề kỷ luật Đảng và siết chặt kỷ luật công vụ thì nhiều địa phương cũng tiến hành. Tuy nhiên, sự chuyển biến, thẩm thấu điều này trong một số cá nhân, kể cả người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa thật sự sâu sắc. Thế nên không lạ khi xuất hiện các công việc có tính khẩn cấp, có đòi hỏi và yêu cầu cao như phòng, chống dịch Covid-19 thì những mặt trái trong chấp hành kỷ luật công vụ của một số cán bộ, đảng viên đã bị “lộ sáng”.

Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội vừa bị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành quyết định tạm đình chỉ chức vụ và đình chỉ sinh hoạt cấp ủy trong 90 ngày để xem xét, làm rõ trách nhiệm sai phạm trong công tác phòng, chống Covid-19; và ngày 15-5, bị cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty. Là lãnh đạo một đơn vị nhưng ông Nguyễn Văn Thanh đã không gương mẫu trong khai báo y tế; tham gia đánh golf trong giờ hành chính và có hành vi gây nguy cơ lây lan bệnh dịch rộng trong cộng đồng. Trước đó, ngày 10-5, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã ký quyết định đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Trường Mầm non Cự Khê đối với bà Đào Thị Phương Nghi, để kiểm tra, xem xét trách nhiệm trong công tác phòng dịch. Ngay cạnh Hà Nội là tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, đã có 8 cán bộ bị tạm đình chỉ công tác để xem xét trách nhiệm vì để xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn. Cũng do công tác tổ chức phòng, chống dịch không tốt, UBND tỉnh Hà Nam đã cảnh cáo 3 cán bộ và tỉnh Yên Bái đã tạm đình chỉ công tác với Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái Nguyễn Trường Giang…

Thực tế cho thấy, kỷ luật công vụ có mối quan hệ rất hữu cơ với chất lượng chấp hành pháp luật, xây dựng phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị cá nhân, mối đoàn kết, thống nhất và uy tín tập thể. Kỷ luật công vụ là một phần quan trọng, là cơ sở để cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu chấp hành kỷ luật công vụ sẽ có nhiều cán bộ, đảng viên trong tập thể làm theo. Ngược lại, nếu cán bộ lãnh đạo không gương mẫu, chấp hành kỷ luật công vụ kém thì sẽ dễ có những “con sâu”, “con mọt” và gây hiện tượng “hạ tắc loạn” hết sức nguy hại.

Để cơ quan, đơn vị, địa phương có nền nếp kỷ luật công vụ tốt, một trong những yếu tố tiên quyết là cấp ủy Đảng và cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong chấp hành các quy định, quy chế, đặc biệt là chấp hành thời gian, kế hoạch công tác, chỉ đạo của cấp trên, lấy giải quyết hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ làm thước đo.

Muốn làm tốt, mỗi cơ quan, đơn vị cần thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của tập thể; điều chỉnh, bổ sung các quy định mới để “bịt” các lỗ hổng trong chấp hành kỷ luật công vụ với ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn các biểu hiện gây nhũng nhiễu, phiền hà, chậm trễ trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, xử lý nghiêm việc cán bộ, đảng viên chậm trễ trong thực thi nhiệm vụ, sử dụng giờ hành chính để làm việc riêng. Việc xử lý cá nhân vi phạm kỷ luật công vụ cần khách quan, kịp thời và công bằng, đúng quy trình, quy định, không bao che. Kiên quyết xử lý đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tái phạm kỷ luật công vụ. Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích sự giám sát của công luận, tiếp thu có chọn lọc các góp ý, phê phán của nhân dân về ý thức kỷ luật công vụ trong cán bộ, đảng viên dưới quyền; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân gương mẫu, nêu cao trách nhiệm trong chấp hành tốt kỷ luật công vụ.

Một tập thể chỉ mạnh và thực thi công vụ hiệu quả khi các cá nhân trong tập thể đó cùng nhìn về một hướng, cùng bắt tay để thực hiện công việc đúng chức năng, nhiệm vụ. Điều này chỉ có được khi tập thể ấy duy trì kỷ luật, dân chủ thường xuyên và liên tục. Đây chính là giải pháp căn cơ để kỷ luật công vụ được duy trì nghiêm và cũng là con đường để thành phố Hà Nội cùng cả nước sẽ ngày càng phát triển vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để luôn duy trì nghiêm kỷ luật công vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.