Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để là nơi đáng sống...

Chí Kiên| 18/11/2021 06:07

(HNM) - Thiên tai, dịch bệnh đang đặt ra những thách thức lớn chưa từng có trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị ở nước ta.

Trước hết phải khẳng định, hiện nay, số lượng các đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Tốc độ đô thị hóa nhanh thời gian qua, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đã gây nên tình trạng không đồng bộ và quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, hàng loạt vấn đề nảy sinh như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập lụt... ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vấn đề bức xúc ở đô thị đang là bài toán hóc búa cho các cơ quan quản lý như trong lĩnh vực nhà ở, giáo dục - đào tạo, y tế, lao động - việc làm…

Bên cạnh những bất cập nội tại khó có thể giải quyết trong “ngày một, ngày hai” thì đã xuất hiện những thách thức mới trong phát triển đô thị Việt Nam. Cùng với biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đại dịch Covid-19 cho thấy sự tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó khu vực đô thị bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều vấn đề chưa có tiền lệ đã nảy sinh, trong đó nổi lên là việc lồng ghép, tích hợp yếu tố phòng, chống dịch bệnh với thiên tai vào quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế cho thấy, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, yêu cầu dành nguồn lực xứng đáng cho phát triển đô thị bền vững càng trở nên cấp thiết. Theo đó, để định hướng phát triển đô thị một cách hoàn chỉnh, dài hơi và mang tính hệ thống, các cơ quan chức năng, địa phương và các nhà khoa học cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện, thấu đáo những yếu tố liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Quan điểm chung là với bất cứ một đô thị nào, việc quy hoạch xây dựng, phát triển cần giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng, thân thiện với con người, môi trường, tiết kiệm năng lượng và phải an toàn trước thiên tai, dịch bệnh. Cùng với các yếu tố biến đổi khí hậu, việc phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe con người cần được tích hợp vào công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đô thị sẽ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và phát triển thông minh. Đây là điều kiện thuận lợi, cần tận dụng hiệu quả để giải quyết những thách thức mà các đô thị đang phải đối mặt liên quan đến thiên tai, dịch bệnh. Nói cách khác, chúng ta phải sử dụng đa dạng các công cụ, bao gồm cả khoa học - công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, con người… để tăng năng lực, hiệu quả trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị nhằm thích ứng tốt trước mọi hoàn cảnh bất lợi có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc phát triển quy hoạch, xây dựng đô thị cần tạo được mối liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương, giữa các đô thị để cùng nhau giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nhau khi có thiên tai, dịch bệnh.

Một yêu cầu quan trọng nữa là cùng với sắp xếp, tổ chức lại các không gian đô thị, tạo thêm không gian cho cây xanh, không gian công cộng, thì vai trò quản lý, điều hành của chính quyền đô thị và phát triển kinh tế - xã hội đô thị hiện đại, văn minh cũng rất quan trọng. Yếu tố này không những giúp đô thị luôn “khỏe mạnh” mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân.

Phát triển theo hướng bền vững là giúp đô thị thích ứng an toàn, linh hoạt trước mọi hoàn cảnh. Đây cũng là cách để đô thị là nơi đáng sống và luôn an toàn với mọi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để là nơi đáng sống...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.