(HNM) - Thời gian qua, không ít doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo, mất vốn khi ký kết các hợp đồng xuất khẩu gỗ, sắt phế liệu… với các đối tác nước ngoài.
Theo khuyến cáo của các thương vụ Việt Nam tại Nigeria, Hà Lan (Bộ Công Thương), các đối tượng lừa đảo thường chào giá xuất khẩu hàng hóa thấp hơn thị trường để tạo ảo tưởng sẽ có lợi nhuận cao nếu nhập khẩu hàng của họ. Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt chuyển tiền đặt cọc 20-30% giá trị hợp đồng mới chịu giao hàng, nhưng khi nhận được tiền các đối tượng này không thực hiện chuyển hàng như đã giao hẹn.
Ngoài ra, một số đối tượng còn lừa đảo theo phương thức ký 5-10 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam, thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng tốt, tạo sự tin tưởng. Vậy nhưng, từ hợp đồng thứ ba, đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc 30-50% trị giá hợp đồng rồi sau đó mất hút.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp đưa hàng hóa đến nhiều thị trường mới, đối tác mới trên thế giới. Tuy nhiên, do đa phần doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn lúng túng, chưa nắm vững vấn đề pháp lý trong hợp đồng thương mại quốc tế, nên rất dễ thua thiệt khi phát sinh tranh chấp với đối tác. Do đó, việc nắm vững Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiết giảm nhiều chi phí.
Đến nay, CISG là một trong các điều ước quốc tế về thương mại thành công nhất với 91 quốc gia thành viên, xử lý hơn 3.000 án lệ, điều chỉnh các giao dịch thương mại chiếm 2/3 giao dịch thương mại quốc tế.
Ông Ngô Đức Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm được nội dung cơ bản của CISG, chủ động áp dụng trong soạn thảo hợp đồng, quản trị rủi ro pháp lý thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp. Đồng thời, để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Việt nên áp dụng hình thức thanh toán "Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay", nhằm bảo đảm an toàn, không bị "sập bẫy".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.