Nông nghiệp

Để không lãng phí "bờ xôi, ruộng mật": Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuất

Nhóm phóng viên 06/11/2023 - 06:25

LTS: Mặc dù là Thủ đô, nhưng Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, chiếm 58,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn những bất cập, hạn chế...

Cho nên rất cần các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục tập trung gỡ "nút thắt" về cơ chế, chính sách liên quan; người nông dân cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuất như nhiệm vụ, mục tiêu mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Về vấn đề này, Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài "Để không lãng phí "bờ xôi, ruộng mật": Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuất".

mo-hinh-hoa-lan-ung-dung-co.jpg
Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở huyện Mê Linh cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.

Bài 1: Vì sao nông dân “chán ruộng”, bỏ ruộng?

Những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” một thuở, nay bỏ hoang, không người cày cấy, cỏ dại mọc um tùm xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là vì sao người nông dân bao đời gắn bó với đồng ruộng, giờ đây lại “chán ruộng”, bỏ ruộng? Tìm hiểu từ thực tế cho thấy, có “một nghìn lẻ...” lý do khiến nông dân không còn mặn mà với việc đồng áng...

Nhận diện lãng phí nguồn lực đất đai

Từ lâu, tại xứ đồng Cội Bàng, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), nhiều thửa ruộng của các hộ dân bị bỏ hoang, không sản xuất, cỏ dại mọc um tùm. Ông Nguyễn Văn Kết, người dân địa phương cho biết, xứ đồng này trũng hơn so với các xứ đồng khác, lại xa làng. Trước đây, người dân vẫn khắc phục khó khăn, cấy hai vụ lúa, một vụ đông. Thế nhưng, hơn 10 năm trở lại đây, nhiều hộ đã bỏ, không cày cấy.

“Giờ các hộ dân xã tôi làm ruộng ít. Ngay như nhà tôi có 2,5 sào ruộng, nhiều năm nay cũng không cấy. Nguyên nhân là do làm ruộng vất vả, không hiệu quả. Cấy một sào lúa hơn 4 tháng mới được thu, nhưng lợi nhuận không bằng 5 ngày công chạy chợ, buôn bán. Chỉ có chúng tôi lớn tuổi làm ruộng cho vui và lấy gạo ăn”, ông Kết bộc bạch.

Xuôi xuống huyện Ứng Hòa - địa phương được mệnh danh là “vựa lúa”, “vựa cá” của thành phố, hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp gần 10.000ha, nhưng cũng có nhiều nông dân không mặn mà với đồng ruộng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại xã Quảng Phú Cầu, hiện người dân địa phương có nghề làm tăm hương và thu mua phế liệu, nên bỏ hoang hàng chục héc ta đất nông nghiệp. Không ít diện tích “vụ này qua vụ khác” không canh tác, trở thành những khu vực sình lầy, ứ đọng rác, nước thải. Hay tại xã Hòa Nam cũng có khoảng 25ha đất nông nghiệp đang bỏ hoang, không canh tác, rất lãng phí…

Không chỉ nông dân các xã ven đô, đồng bằng “chán ruộng”, ở các xã khu vực miền núi, như: Yên Bài (huyện Ba Vì); Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); Tiến Xuân, Yên Bình (huyện Thạch Thất)… cũng có hiện tượng bỏ ruộng, không sản xuất. Bà Man Thị Thanh, ở thôn Bài, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Gia đình tôi có ruộng cấy lúa, ao nuôi cá và vườn chè rộng hàng nghìn mét vuông... Thế nhưng, do chồng tôi đi làm thợ xây, 3 người con đều có việc làm ổn định, tôi thì nấu ăn cho một khu du lịch trên địa bàn, nên chỉ cấy được lúa, còn ao cá và vườn trồng chè hiện bỏ không”.

Tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất cũng được phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận ở nhiều huyện, như: Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai… Mới đây, HĐND huyện Quốc Oai đã thực hiện giám sát về tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất trên địa bàn. Kết quả cho thấy tình trạng trên khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn huyện có tới 1.101ha đất canh tác không sản xuất. Trong đó, vụ xuân là 268ha, vụ mùa 833ha, chiếm tỷ lệ 5,91% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện và 10,97% đất trồng lúa. Tình trạng bỏ ruộng xuất hiện phổ biến ở các xã có làng nghề phát triển, như: Cộng Hòa, Tân Hòa, Ngọc Mỹ, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Sài Sơn…

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, dù chưa có thống kê đầy đủ, song diện tích đất không sản xuất hoặc bỏ cách vụ trên địa bàn thành phố có thể lên tới hàng nghìn héc ta. Những “bờ xôi, ruộng mật” bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tư liệu sản xuất, về lâu dài còn ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực.

mo-hinh-du-lich-nong-nghiep.jpg
Mô hình du lịch nông nghiệp tại trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì).

Người trong cuộc nói gì?

Hà Nội có gần 198.000ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 58,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Khu vực nông thôn của Hà Nội có hơn 4,2 triệu người, chiếm 50,94% dân số của thành phố. Ông Vũ Văn Bình, Kiểm soát viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Nam (huyện Ứng Hòa) cho rằng, nếu phát huy hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị kinh tế và góp phần quan trọng giải quyết bài toán lao động, việc làm tại nông thôn. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn.

“Trước thực trạng nhiều thửa ruộng không sản xuất, lãng phí đất đai, chúng tôi nhiều lần tuyên truyền, vận động các hộ dân không có nhu cầu sản xuất cho người có nhu cầu thuê lại, nhưng không thành công. Người dân có tâm lý lo ngại cho thuê, rồi sau này khó đòi lại ruộng, nên chưa đồng tình”, ông Vũ Văn Bình cho hay.

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) Hoàng Quang Vinh cho biết, nếu như trước đây, nông dân quay vòng, luân canh, gối vụ ở khắp các xứ đồng, thì nay số diện tích bỏ một vụ hoặc hai vụ ngày càng nhiều. Mấu chốt là chính sách tích tụ ruộng đất còn bất cập, nông dân dù không canh tác trên thửa ruộng của mình cũng không muốn cho người khác thuê lại. "Thực tế cho thấy, do chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất chưa tốt, dẫn tới người có nhu cầu sản xuất thì không có ruộng, người có ruộng lại bỏ hoang”, ông Hoàng Quang Vinh nói.

Phân tích thêm về tình trạng bỏ ruộng hoang gây lãng phí, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm nhìn nhận, hiện hầu hết lực lượng lao động chính ở nông thôn đi làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Số lao động ở lại địa phương chủ yếu là người già cả, “ngại” đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hơn nữa, địa hình đồng đất ở một số địa phương trong huyện phức tạp, trũng sâu, xen gò cao, khó sản xuất…

Còn ở huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Khiển cho hay, là huyện ven đô, đất nông nghiệp phân tán, nguồn nước ô nhiễm nên việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, dẫn đến nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, về thực trạng đất nông nghiệp không sản xuất, các địa phương đã nhiều lần báo cáo tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, để đề nghị UBND thành phố có giải pháp tháo gỡ.

Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, bỏ ruộng hoang không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, gây lãng phí tài nguyên đất đai, mà còn tác động không tốt đến đời sống xã hội và an ninh lương thực. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Nông nghiệp cần phân tích nguyên nhân nông dân bỏ ruộng một cách đa chiều để bàn giải pháp tháo gỡ. Nếu vì hạ tầng kém, thành phố Hà Nội cần quan tâm đầu tư; còn do chuyển dịch lao động thì hợp tác xã, chính quyền địa phương phải vào cuộc, vận động nông dân cho thuê, thầu, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất… Khi giải quyết được bất cập này sẽ hạn chế diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không gây lãng phí nguồn lực đất đai và mở ra hướng phát triển nông nghiệp giá trị cao, bền vững.

(Còn nữa)

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo Luật Đất đai sẽ bị xử phạt đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, đối với đất trồng cây hằng năm, nếu không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục thì sẽ bị thu hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không lãng phí "bờ xôi, ruộng mật": Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.