Nông nghiệp

Để không lãng phí “bờ xôi, ruộng mật”: Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuấtBài 3: Xuất hiện cách làm mới, hiệu quả cao

Nhóm phóng viên 08/11/2023 - 06:54

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và hạn chế lãng phí tài nguyên đất đai, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có một số tập thể, cá nhân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, ở một số địa phương đã xây dựng được những mô hình hay, cách làm mới, giúp thu nhập của người dân tốt hơn, góp phần hạn chế bỏ ruộng hoang, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

nn.jpg
Thu hoạch rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Những mô hình hay, sáng tạo

Là nông dân sinh ra từ “quê lúa” Ứng Hòa, nhận thấy sự lãng phí tài nguyên đất, bà Cao Thị Thủy, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Trung Tú) đã thuê lại ruộng của các nông hộ để sản xuất giống lúa chất lượng cao Japonica (J02) của Nhật Bản theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Bà Cao Thị Thủy chia sẻ: “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã thuê lại diện tích đất bỏ hoang của khoảng 2.000 hộ dân, với tổng diện tích 310ha tại các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ (thành phố Hà Nội) và thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) để trồng lúa. Trên những cánh đồng này, chúng tôi đưa máy móc, thiết bị thông minh vào gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến… theo chuỗi khép kín. Hiện tại,hợp tác xã đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể "Gạo chất lượng Khu Cháy", sản phẩm được thành phố cấp chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và tiêu thụ theo chuỗi liên kết trong các siêu thị, cửa hàng phân phối, nên làm ruộng đã có lãi”.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) cũng là điển hình trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Thám cho biết: “Năm 2016, một nhóm hộ nông dân có tâm huyết và kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc rau đã thành lập Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn. Mô hình hiệu quả, nên hợp tác xã có quy mô lớn dần, đến nay đã có 52 thành viên và góp được 27ha đất nông nghiệp để sản xuất rau an toàn”. Hiện tại, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đang tổ chức sản xuất và hợp đồng sản xuất, gieo trồng hơn 30 loại rau, cung cấp sản phẩm cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích, 11 trường học trên địa bàn thành phố... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm hợp tác xã thu về hơn 10 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của nhân viên đạt 6-7 triệu đồng/tháng. Đối với các hộ thành viên góp đất trồng rau, thu nhập đạt 120 triệu đồng/hộ/năm; có hộ doanh thu đạt hơn 400 triệu đồng/năm...

Hay tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh), có hơn 500ha đất nông nghiệp được các hợp tác xã thâm canh 2 vụ lúa và nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh… gắn với dịch vụ, có giá trị kinh tế cao. Để làm được điều này là nhờ mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ mạ khay, cấy máy đến gặt đập liên hợp do các hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận. Theo bà Nguyễn Thị Ngân (xã Liên Hà), ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giải phóng được 90% sức lao động cho nông dân. Từ khâu cấy, chăm sóc đến phun thuốc bảo vệ thực vật… đều có dịch vụ hợp tác xã đảm nhận. Khi gặt lúa, nông dân chỉ việc nhận thóc về nhà. Không những thế, hợp tác xã còn thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp đưa các loại giống lúa mới chất lượng cao về trồng. Do vậy, dù làng có nghề mộc rất phát triển nhưng hầu như không có ruộng bỏ hoang.

Tương tự, trên địa bàn huyện Mê Linh đã, đang phát triển được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiêu biểu là mô hình trồng chuối tiêu hồng và chuối tây hồng, có quy mô 70ha của ông Sái Công Triệu (xã Hoàng Kim), xuất khẩu sang Trung Quốc; mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao, quy mô gần 1ha của ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh); mô hình trồng hoa ly chất lượng cao, diện tích khoảng 20ha của gia đình ông Lê Văn Ngà (xã Tự Lập); mô hình trồng sen ướp trà, diện tích 50ha của gia đình ông Lã Quang Khanh (xã Mê Linh)... Những mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng/mô hình/năm. Đáng kể hơn là hiệu quả kinh tế từ các mô hình này đã, đang mở ra hướng phát triển mới cho ngành Nông nghiệp huyện Mê Linh.

Trong khi đó, tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Gia Lâm, Thường Tín, Sóc Sơn… cũng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm nông nghiệp mới, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất, thời gian qua, khu vực nông thôn Hà Nội đã xuất hiện 3 cách làm hiệu quả. Một là, các cá nhân tích tụ ruộng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cá nhân hoặc thuê lại đất của nông dân khác. Hai là, các hộ nông dân tích tụ ruộng đất thông qua tự nguyện tham gia vào các hợp tác xã. Ba là, doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua thuê lại đất nông nghiệp của nông dân; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân; thuê đất của địa phương… Từ cách vận dụng đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả.

Bài học rút ra

Rõ ràng, với những cách làm hay, sáng tạo, nông nghiệp vẫn mang lại hiệu quả cao và ở đó, người dân vẫn đam mê với sản xuất, làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình. Với những mô hình hiệu quả, rất cần được chính quyền các địa phương đồng hành, thành phố nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ để nhân ra diện rộng…

Để giải bài toán phát triển nông nghiệp ở Hà Nội, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, các địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh một số loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Cụ thể, huyện Mê Linh đã phê duyệt quy hoạch 13 vùng trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành 135 vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, như: Vùng trồng hoa, cây cảnh có diện tích gần 1.000ha tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Tự Lập; vùng rau an toàn hơn 700ha tại các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Tiến Thắng; vùng trồng chuối tiêu, chuối tây hồng gần 300ha tại các xã Hoàng Kim, Chu Phan; vùng sản xuất lúa cốm gần 100ha tại xã Tam Đồng…

Trong khi đó, tại huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện đang xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, như: Sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP quy mô 5ha tại xã Sài Sơn, với kinh phí 302 triệu đồng; hỗ trợ nuôi thủy sản 1 vụ lúa, 1 vụ cá tại xã Đông Yên, kinh phí 203 triệu đồng; hỗ trợ sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học tại các xã Phú Cát, Đông Yên, với kinh phí 365 triệu đồng...

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lưu Văn Cầu, Hà Nội có đặc thù riêng so với các tỉnh, thành phố khác. Đó là nông dân dễ dàng tiếp cận được với những cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Do vậy, những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Hà Nội cũng phải cao hơn so với các địa phương khác mới thu hút nông dân và tạo ra sự bứt phá. Những chính sách mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang triển khai hỗ trợ nông dân, như: Xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ cơ giới hóa; hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Khuyến nông đang phát huy hiệu quả. “Đến nay, ở những thửa ruộng đưa được máy vào, Hà Nội đã cơ giới hóa được 100% khâu làm đất và thu hoạch. Việc đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cơ giới hóa sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi”, ông Lưu Văn Cầu khẳng định.

Một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, thành phố Hà Nội với lợi thế có nhiều trung tâm nghiên cứu, viện khoa học nên cần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi để cung cấp cho cả nước; nuôi trồng các loại cây con đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao... Hà Nội rất khó để có được những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” như các địa phương khác, do vậy, cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để khai thác tối đa tài nguyên…

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để có thêm chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những chính sách này được áp dụng sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô đến năm 2025, góp phần tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên hơn 70%; phát triển chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh. Để chính sách đi vào thực tiễn, hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã cần tăng thêm kinh phí hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; rà soát, tham mưu HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại, đa lợi ích...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không lãng phí “bờ xôi, ruộng mật”: Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuất Bài 3: Xuất hiện cách làm mới, hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.