Ngay cả khi tin rằng tiếp xúc hàng ngày với mầm bệnh sẽ giúp hệ miễn dịch có sức đề kháng tốt hơn, việc tự bảo vệ mình trước những mầm bệnh nguy hiểm nhất trong nhà vẫn là một việc làm khôn ngoan.
“Thuốc sát trùng chlorine là một đồng minh đắc lực”, Powell nhắc đến một trong những sản phẩm phá hủy độc tố hiệu quả nhất. |
“Những vi khuẩn như Escherichia coli (E.coli), salmonella và campylobacter có thể gây bệnh hoặc thậm chí giết chết bạn”, Douglas Powell, giảng viên y học chẩn đoán và sinh lý bệnh tại Trường Đại học Bang Kansas, Kansas (Mỹ) nói.
Trung tâm Phòng chống Bệnh Hoa Kỳ ước tính có 7 mầm bệnh gây ra khoảng 90% số trường hợp mắc bệnh, nằm viện và tử vong. Các nhà khoa học gọi chúng là “những bệnh lây truyền qua thực phẩm” vì những vi sinh vật này thâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa. (Nếu biết chúng ta chạm tay lên mặt khoảng 18 - 40 lần mỗi giờ, thì chắc bạn sẽ không ngạc nhiên với câu nói “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”). Sốt, buồn nôn, nôn và tiêu chảy là những hậu quả khi bạn bị ngộ độc thực phẩm.
Song may mắn là không quá khó để loại trừ những vi khuẩn có thể bạn đã tha lôi về nhà mà không biết.
Tốt: Sắp xếp lại tủ lạnh để giảm nguy cơ
Thịt sống mà bạn mang từ chợ về luôn chứa những vi khuẩn có thể gây tiêu chảy. Một báo cáo gần đây từ Trung tâm Khoa học Dư luận Xã hội (Mỹ) đã liệt kê thịt bò xay, thịt gà, thịt gà tây và thịt cắt lát nướng là dễ bị nhiễm khuẩn nhất.
Các chuyên gia khuyên nên gói thịt trong hai lần túi và để lên đĩa trong ngăn dưới cùng của tủ lạnh, tránh xa những loại rau quả ăn ngay như táo, dâu tây hay cần tây.
Bạn sẽ phải nấu chín thịt để diệt những vi khuẩn này nhưng không nên để nước chảy ra từ gói thịt dính vào những hoa quả và rau mà bạn thường ăn sống.
Tốt hơn: Để bàn chải răng xa toilet
Mục đích là để bạn không đưa vi khuẩn vào miệng.
Để bàn chải răng ẩm ướt cách toilet chưa đến ba bước chân không tốt chút nào. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy vi khuẩn trong toilet có thể “tung tóe” ra ngoài không khi sau khi cọ rửa toilet.
Nước trong bồn cầu, cùng với tất cả những thứ chứa trong đó, có thể bắn ra theo những hạt bụi nước nhỏ li ti và bám vào những đồ vật ở gần như bàn chải răng hoặc khăn mặt.
Nghiên cứu của Trường Đại học Manchester thấy rằng trung bình bàn chải răng chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn, bao gồm E. coli và tụ cầu.
Một mẹo nhỏ: Hãy đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước
BS Rose Devasia, giản viên trợ giảng tại Trường Y tế Công cộng và Thông tin học Đại học Louisville ở Louisville, Kentucky (Mỹ) nói thêm: “Tất cả chúng ta đều biết nhà tắm không phải là nơi sạch nhất, vì thế hãy rửa tay để tránh bị nhiễm bệnh”. Cọ sạch bồn tắm bằng xà phòng có thể làm giảm khả năng bị bệnh tới 30%.
Tốt nhất: Để giày ngoài cửa
Nếu bạn đi cả giày dép qua nhà, thì nhiều khả năng bạn sẽ tha lôi đủ thứ mầm bệnh và hóa chất độc hại từ bên ngoài vào nhà.
Đế giày dép có thể phát tán nhiều tác nhân độc hại, từ phấn hoa và các loại thuốc từ sâu diệt cỏ ở công viên tới vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn có trong phân chim. Trên thực tế, có khoảng 9 loại tác nhân gây bệnh khác nhau có thể bám theo gót giày của bạn, theo một nghiên cứu của Trường Đại học Arizona.
Vi khuẩn có thể sống và thậm chí nhân lên do đất bẩn và những thứ khác giàu dinh dưỡng dính ở đế giày.
“Ở nhà tôi, chúng tôi bỏ giày dép ngoài cửa”, BS Devasia nói. “Tại sao lại mang cả đống bụi bẩn vào nhà kia chứ? Cho dù bạn có lau nhà và giặt thảm thường xuyên thì chất bẩn vẫn sẽ còn sót lại”.
Thế nếu ý tưởng bỏ giày dép cản trở phong cách sống của gia đình bạn? Hãy nói với mọi người trong gia đình rằng trở ngại này sẽ không thấm vào đâu với những trở ngại khác mà giày dép bẩn có thể gây ra - ví dụ như bị đau bụng vì đưa mầm bệnh vào nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.