(HNM) - Giao thông là một trong những hoạt động phổ biến nhất của con người, nhất là trong xã hội hiện đại. Mọi yếu tố liên quan tới hoạt động này đều bắt nguồn từ văn hóa.
Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 4 nghìn người mãi mãi ra đi vì tai nạn giao thông, bên cạnh đó hơn 7 nghìn người khác phải gánh chịu thương tật ở nhiều mức độ sau tai nạn, để lại phía sau đó là bao nỗi dở dang, gánh nặng cho gia đình, cộng đồng mà không bao giờ bù đắp được. Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, kể từ khi có Chỉ thị số 22-CT/TƯ (năm 2003) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (nay là Chỉ thị 18-CT/TƯ năm 2012), số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2018, tai nạn giao thông cũng giảm ở cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Song, khi còn một người thương vong thì còn những nỗi đau không thể tính đếm và là sự trăn trở của các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Giảm tai nạn giao thông, vì thế, phải là tiếng nói mạnh mẽ, thống nhất đối với cả hệ thống chính trị, với mỗi người, cả cộng đồng trên cơ sở xây dựng một nền tảng văn hóa giao thông!
Tai nạn giao thông ngoài yếu tố bất ngờ khách quan thì còn có nguyên nhân rất phổ biến là từ con người. Từ việc vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi bộ không đúng phần đường tới việc sử dụng xe hết hạn đăng kiểm... Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng về đường bộ gần đây càng cho thấy rõ điều này. Trong đó có lái xe chạy liên tục quá số giờ an toàn; đi không đúng phần đường; Điều khiển phương tiện khi say rượu, bia, không làm chủ được tay lái.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, phải tiến hành đồng bộ một hệ thống giải pháp trên cả hai yếu tố: Pháp luật và ý thức của người tham gia giao thông. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương có trách nhiệm trước hết trong việc tạo cơ sở cho việc thực thi pháp luật của người tham gia giao thông. Ví như, hệ thống lối đi dân sinh qua đường sắt phải có rào chắn. Các đoạn đèo nguy hiểm phải có đủ hệ thống cảnh báo, đường cứu nạn, hốc lánh nạn…
Đặc biệt, xử lý triệt để các hành vi vi phạm cũng là một trong những việc quan trọng hàng đầu nhằm giữ nghiêm tính thượng tôn pháp luật trong hoạt động giao thông. Ví như, quy trình sát hạch đào tạo lái xe nếu nghiêm túc chắc chắn sẽ góp phần ngăn ngừa từ gốc những trường hợp cầm vô lăng thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện, coi thường tính mạng con người.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn giao thông cần được thực hiện lâu dài, bài bản. Hệ thống nhà trường cần dạy trẻ những bài học hết sức cụ thể như: Sang đường đúng nơi quy định, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy... Đặc biệt, cần kêu gọi tinh thần “lái xe có trách nhiệm” ngay trong cộng đồng lái xe, tận dụng các trang mạng xã hội có uy tín là những người sử dụng ô tô, xe máy để lan tỏa ý thức này. Cũng như vậy, việc tuyên truyền để dẹp bỏ thói tùy tiện, đại khái của giao thông đường làng phải vươn tới từng địa phương, qua bộ máy chính quyền cơ sở, hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…
Để không còn nỗi đau tai nạn giao thông, mỗi ngày, mỗi người đều phải có ý thức khi tham gia giao thông, khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ liên quan đến quản lý giao thông. Tất cả vì sự an toàn của bản thân, của gia đình và cả xã hội!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.