(HNM) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 18 tỉnh, thành phố về triển khai Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và Quy chế phòng chống động đất, sóng thần. Hội nghị đã thảo luận nhiều phương án ứng phó nếu Việt Nam xảy ra động đất, sóng thần để cảnh báo, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại.
Thu ảnh mây từ rađa để phân tích diễn biến thời tiết tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ thuộc Trung tâm KTTV Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: TTXVN |
Cảnh báo Việt Nam có thể bị ảnh hưởng động đất
Những trận động đất lớn trên thế giới như trận động đất mạnh tới 7,8 độ richter xảy ra ở ngay phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia thuộc khu vực Đông Nam Á vừa qua và gần đây nhất là trận động đất mạnh 6,9 độ richter xảy ra tại quận Yushu, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) làm ít nhất 400 người thiệt mạng vào ngày 14-4 đã khiến không ít người phải lo lắng. Với Việt Nam, trận động đất tại biển Phan Thiết ngày 23-6 vừa qua gây dư chấn đến TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người lo ngại. TS Lê Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, ở nước ta, động đất mạnh tới 6,8 độ richter đã từng xảy ra tại khu vực Tây Bắc vào các năm 1935 (động đất ở Điện Biên) và 1983 (động đất ở Tuần Giáo - Lai Châu).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng: “Nếu Hà Nội xảy ra động đất thì thiệt hại sẽ lớn vô cùng, vì Hà Nội là địa phương có nhiều nhà cao tầng, tập trung nhiều cơ quan đầu não trung ương. Về lâu dài, Hà Nội sẽ giám sát những công trình xây dựng cao tầng, bảo đảm những tiêu chuẩn an toàn khi có động đất theo quy định của Bộ Xây dựng ban hành”. |
Ở các tỉnh phía Nam, động đất ghi nhận được cũng đã đạt tới 6,1 độ richter (như động đất Hòn Tro năm 1923). Gần đây hơn, vào ngày 5-8-2005, một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã xảy ra ở vùng biển gần Vũng Tàu. Tuy nhiên, xét về tính chất địa chấn động đất ở Việt Nam có độ lớn và tần suất không cao như ở hai quốc gia lân cận là Trung Quốc và Indonesia. Các chuyên gia dự báo, Việt Nam vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi động đất trong tương lai, vì thế cần có những biện pháp tích cực để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra. Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học Việt Nam đã xây dựng 25 kịch bản về sóng thần có khả năng xảy ra theo hoàn cảnh, thời điểm và khu vực cụ thể.
Thông tin là yếu tố sống còn
Theo quy định, dựa trên cơ sở các kết quả xử lý dữ liệu địa chấn nhận được trực tiếp từ mạng lưới đài, trạm quan trắc quốc gia và một phần từ mạng lưới đài trạm địa chấn thế giới, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ richter trở lên sẽ được trung tâm thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất. Trong đó, các cơ quan được cấp báo đầu tiên là Đài THVN và Đài TNVN, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, thông tin cảnh báo đến được người dân có kịp thời hay không mới là yếu tố sống còn. Lãnh đạo các địa phương cho rằng, cần thông tin, phổ biến rộng rãi đến người dân, đặc biệt là dân cư khu vực ven biển hiểu thế nào là động đất, sóng thần.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận xét, ở Việt Nam, khái niệm động đất, sóng thần còn rất mơ hồ. Chúng ta nhắc nhở người dân có sóng thần phải chạy, nhưng chạy như thế nào cho an toàn, cho đúng thì họ vẫn chưa biết. Phải nói cho người dân biết, khi chạy phải chạy cách bờ biển 1km, chạy càng lên cao càng tốt. Hay với các ngư dân đang đánh bắt trên biển, khi báo có sóng thần, họ nghĩ phải cho thuyền vào bờ, song trên thực tế để an toàn các thuyền đó nên ra khơi chứ không phải vào bờ... Tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi đề nghị, để chủ động trong việc cảnh báo các thảm họa như động đất và sóng thần, phải duy trì chế độ trực, cảnh báo 24/24h.
Nhiều địa phương cho rằng khi nhận được cảnh báo, các địa phương có phải đợi sự chỉ đạo từ bộ, ngành bên trên không? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, khi nhận được thông tin có sóng thần, động đất, các địa phương không cần đợi bất kỳ sự chỉ đạo nào, ngay lập tức phải triển khai các biện pháp di dời dân đến nơi an toàn. Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, cả nước có 620 xã ven biển, nếu không tổ chức diễn tập, tập huấn trước cho dân biết, họ sẽ không biết phòng chống thế nào. Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học Việt Nam bổ sung, khi nhận được cảnh báo sóng thần từ Philippines, nghĩa là cách biển Việt Nam 1.000km, trong khi đó sóng thần chuyển động với tốc độ 800 km/h, vì vậy các địa phương chỉ có hơn 1 giờ đồng hồ để vừa thông báo, vừa di dời, liệu thông tin có đến với người dân? Đại diện tỉnh Cà Mau cho rằng, phương án lâu dài để ứng phó với động đất và thiên tai là cần củng cố những vùng đê ven biển, trồng rừng phòng hộ... Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận, để phòng chống động đất, sóng thần ở Việt Nam, vấn đề thông tin là sống còn, chủ động là quyết định. Các địa phương cần nắm vững phương châm này để tuyên truyền, phòng chống hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.