(HNM) - Mấy ngày qua, có thể nói dư luận… "sôi sùng sục" trước sự kiện Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức xử phạt một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nhằm giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô. Ý kiến có nhiều, người ủng hộ, người phản đối, ai cũng viện dẫn những lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất nêu trên để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31-3-2015.
Xin đề cập một khía cạnh khác, đó là việc tham gia ý kiến của dư luận xã hội trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 3-6-2008, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành cần được thẩm định nghiêm túc và khách quan.
Một trong những nội dung quan trọng phải được thẩm định quy định tại khoản 3, Điều 36, Luật Ban hành văn bản pháp luật là "Tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện". Rồi Điều 35 quy định về việc lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; Điều 62 quy định về việc lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định… Như vậy có thể thấy những điều khoản trong Luật Ban hành văn bản pháp luật là khá chặt chẽ, hợp lý nhằm bảo đảm cho những quy định của pháp luật phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua việc tham khảo ý kiến, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản đã không được coi trọng đúng mức hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức. Điều đó dẫn đến việc xuất hiện ngày càng nhiều những văn bản thiếu tính khả thi hoặc tính khả thi rất thấp, thậm chí có những văn bản vừa ban hành đã phát sinh những điều không hợp lý, cần chỉnh sửa… Có thể dễ dàng dẫn chứng những quy định của các cơ quan chức năng tạo nên nhiều tranh cãi trong thời gian qua như sử dụng xe chính chủ; chứng minh thư ghi tên bố, mẹ; phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại ở cây xăng; chỉ bán thịt sau 8 giờ kể từ khi giết mổ; cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng…
Như phân tích của một số chuyên gia, nhiều văn bản thiếu tính khả thi trước hết là do không có tiếng nói chung giữa người ban hành văn bản và người chịu trách nhiệm thực thi văn bản. Việc soạn thảo văn bản đã không hoặc ít chú ý tổng kết tình hình thực tiễn, đánh giá tác động (cả mặt tích cực và tiêu cực) của văn bản khi áp dụng vào cuộc sống. Mặt khác, người soạn thảo văn bản (cán bộ, công chức nhà nước) hiện vẫn đặt mình vào vị trí của người kiểm tra, giám sát đối với mọi hoạt động của công dân và các lĩnh vực trong đời sống, thiếu sự cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, dẫn đến tình trạng áp đặt ý chí chủ quan của bản thân hoặc của một nhóm lợi ích nào đó vào văn bản pháp luật… Tất cả những vấn đề nêu trên dẫn đến một số văn bản pháp luật ban hành chỉ có hiệu lực trên… giấy.
Chính vì lẽ đó, những phân tích, hiến kế và góp ý kiến của dư luận hiện nay trước kiến nghị mới nhất của Ủy ban ATGT quốc gia đối với Chính phủ là hết sức cần thiết. Điều đó sẽ giúp cho những quy định được ban hành phù hợp thực tế và có tính khả thi trong thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.