Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không chỉ là những cuộc điểm danh

Diên Khánh| 18/06/2022 06:38

(HNMCT) - Sau một năm bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, tháng 6 năm nay, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được tổ chức tại Đà Nẵng. Nhiều cây bút trẻ mong mỏi những hội nghị như thế này sẽ tạo cảm hứng, động lực sáng tác chứ không chỉ là một cuộc “điểm danh”.

Cần thêm nhiều cuộc thi, tạo sân chơi và động lực cho các tác giả trẻ. Ảnh: Nguyễn Văn Học

Người trẻ hăm hở

Những cây bút trẻ tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc có tuổi từ 35 trở xuống. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng không ít tác giả đã xuất bản vài đầu sách và đạt giải thưởng. Một số đại biểu đến từ những gia đình có truyền thống văn chương, có bố mẹ hoặc ông bà là nhà văn. Có người còn rất trẻ nhưng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như Lê Quang Trạng (sinh năm 1996), Phan Đức Lộc (sinh năm 1995), Nguyễn Trần Thiên Lộc (sinh năm 1990)... Họ xuất hiện trên văn đàn với phong cách chững chạc, độc đáo và chất lượng tác phẩm không ngừng được nâng lên.

Nhà văn Lê Quang Trạng chia sẻ: “Hội nghị là dịp tốt để các cây bút trẻ gặp gỡ, giao lưu; có một góc nhìn mới về văn học trẻ nước nhà hiện nay. Tôi hy vọng rằng Hội nghị không chỉ là một cuộc “điểm danh”, mà còn tạo cảm hứng, động lực để các cây bút trẻ có cái nhìn mới, có những sáng tác mới, dồi dào, chất lượng”.

Đến từ tỉnh Quảng Trị, tác giả trẻ Ny An hăm hở: “Đây là cơ hội để những cây bút trẻ được tiếp xúc và học hỏi các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để khẳng định một chút tên tuổi của bản thân trên văn đàn, vì như em được biết, không phải tác giả trẻ nào cũng được tham dự, mà phải qua những vòng giới thiệu, bỏ phiếu lựa chọn gắt gao. Tuy nhiên, theo em, không được tham dự Hội nghị không có nghĩa là bạn viết kém hơn những người khác. Văn chương là chặng đường dài, ai kiên trì đi đến cùng thì mới gặt hái được quả ngọt. Không phải chỉ một hội nghị mà đánh giá hết được khả năng của chúng ta sau này. Những cây viết trẻ, dù được tham gia Hội nghị hay không, đều phải cố gắng đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, nuôi dưỡng cảm xúc và rèn luyện con chữ từng ngày”.

Đứng ở góc độ những người tổ chức Hội nghị, theo nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, ưu điểm dễ thấy là đội ngũ viết trẻ đang có mặt ở mọi góc cạnh của đời sống, có vốn sống và hiểu biết phong phú - yêu cầu gần như bắt buộc với mọi nhà văn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, sự phát triển của công nghệ thông tin vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với người viết trẻ. Không ít tác giả có trình độ ngoại ngữ nhưng lại thiếu kinh nghiệm để có thể dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài hay giao lưu, quảng bá tác phẩm bằng các hình thức mới mẻ.

Viết văn vẫn là nhu cầu tự thân

Nhiều người viết trẻ khẳng định, họ viết vì đam mê, vì nhu cầu tự thân. Như nhà văn Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994), chia sẻ, anh đã bắt đầu như một người đọc và đến một lúc nào đó, trở thành người viết. Anh viết như một cách giải phóng câu chuyện trong mình và hy vọng đến một lúc nào đó câu chuyện của mình được lắng nghe.

Song, như tác giả Trần Đức Tín tỏ ra băn khoăn, hiện đang rất thiếu “đất diễn” cho các tác giả trẻ. Tạp chí Áo trắng, nơi nâng đỡ rất nhiều tác giả trẻ đã “chia tay” độc giả. Các tờ Nữ sinh, Ước mơ xanh, Sinh viên, Văn nghệ trẻ... từng là nơi hội tụ các gương mặt viết trẻ đã không còn xuất bản. Điều đó buộc các cây bút phải “co cụm” trên các nền tảng internet, tìm cách tự xuất bản tác phẩm. “Người viết trẻ rất cần nơi ươm mầm. Hiện nay, nhiều người cố gắng cộng tác với tạp chí của các hội văn học - nghệ thuật, các tờ báo còn dành trang văn nghệ và ưu ái đăng sáng tác của người trẻ” - Trần Đức Tín nói.

Để giúp văn chương trẻ phát triển, đa số tác giả trẻ đều cho rằng, tự thân mỗi người phải có trách nhiệm với bản thân mình trước, nuôi khát khao, muốn cống hiến. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam cần phát hiện những cây bút trẻ viết tốt và giúp họ định danh, bồi dưỡng chuyên sâu... Nếu họ xứng đáng thì hãy khen thưởng kịp thời. Đây là sự động viên, tiếp lửa cần thiết. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Những người viết trẻ cần thấu hiểu, một nhà văn chân chính phải viết vì vẻ đẹp đời sống và văn hóa, phải viết vì lợi ích dân tộc, phải viết vì lương tâm của con người trước cái ác. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì nhà văn sẽ không mang lại điều gì cho con người và đất nước trong những trang viết của mình”.

Chia sẻ tâm huyết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tác giả Đức Anh kiến nghị: "Chúng tôi mong việc tìm kiếm, xuất bản và xuất khẩu văn học trẻ Việt Nam sẽ trở thành chiến lược nghiêm túc, dài hạn của Hội Nhà văn Việt Nam".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không chỉ là những cuộc điểm danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.