(HNM) - Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ khuyến nghị của EC, sớm gỡ “thẻ vàng” và không bị nâng lên thành “thẻ đỏ”, vẫn còn không ít việc phải làm, trong đó nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp...
Những chuyển biến bước đầu
Ngày 23-10-2017, sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” vì thực hiện chưa tốt quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Kể từ đó, các cấp, ngành đã và đang nỗ lực giải quyết 4 khuyến nghị của EC, gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc. Đến nay, trong 4 khuyến nghị trên, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, cơ bản luật hóa các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản năm 2017.
Liên quan đến khuyến nghị thực thi pháp luật của EC, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin: Các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống khai thác bất hợp pháp và tăng cường thực thi pháp luật trên biển.
Đáng chú ý, việc triển khai hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá được triển khai quyết liệt. Bộ NN&PTNT đang sử dụng hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar và đã lắp đặt 2.048 thiết bị cho tàu cá. “Từ khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, thông qua hình ảnh của hệ thống giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện 110 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và Tổng cục Thủy sản đã ban hành 60 văn bản gửi các địa phương có liên quan xử lý theo quy định” - ông Nguyễn Quang Hùng cho biết.
Đối với khuyến nghị mà EC yêu cầu Việt Nam phải thực thi là bảo đảm các sản phẩm thủy sản khai thác có nguồn gốc xuất xứ, đến nay Bộ NN&PTNT đã công bố danh sách 57 cảng cá đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác. Năm 2018, Bộ đã cấp 4.589 giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào châu Âu đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quý I-2019, Bộ NN&PTNT đã cấp 856 giấy chứng nhận với 12.000 tấn thủy sản của các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, theo Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai, để thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EU, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải nỗ lực nhiều hơn. Bởi tình trạng khai thác bất hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để. Đơn cử, trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước vẫn xảy ra 41 vụ/69 tàu cá/271 ngư dân vi phạm, trong khi công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng cũng còn hạn chế; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu...
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn lý giải, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển để xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp chưa đủ mạnh. Cùng với đó, việc xử phạt khai thác thủy sản trái phép chưa nghiêm. Nhiều ngư dân chưa ý thức được mối nguy hại của việc đánh bắt trái phép. Hơn hết, nhiều địa phương chưa xác định nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp là cấp bách, quan trọng để tập trung chỉ đạo, giải quyết...
Không để bị nâng mức phạt lên “thẻ đỏ”
Dự kiến, cuối tháng 10-2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp. Qua đó, sẽ xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng” hoặc áp dụng cảnh báo lên “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Nếu bị "thẻ đỏ", đồng nghĩa tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã đề nghị, trước mắt, 28 tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá trước tháng 7-2019; thu hồi giấy phép, không cấp lại giấy phép đối với tàu cá vi phạm khai thác. Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua sản phẩm được khai thác ở vùng biển hợp pháp và có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...
"Từ nay đến năm 2020, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương lắp đặt thiết bị định vị, giám sát cho 31.000 tàu cá; triển khai vận hành, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tàu cá giữa các cơ quan, đơn vị để quản lý… Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển. Còn Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài...
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh tuyên truyền chống đánh bắt cá hủy diệt; xác định ranh giới đánh bắt. Theo đó, chủ tàu cá phải có thiết bị giám sát để các lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành chế tài xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm.
Từ thực tế hoạt động xuất khẩu, ông Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn cho rằng, thực hiện khuyến nghị của EC cũng là giải pháp để nghề cá phát triển bền vững. Đó là ngư dân đánh bắt theo đúng quy định của pháp luật; doanh nghiệp chế biến có nguồn nguyên liệu rõ xuất xứ. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngư dân phải ghi chép đầy đủ nhật ký đánh bắt cá và bảo đảm cam kết về chất lượng...
Hy vọng với những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và chính bà con ngư dân, thủy sản Việt Nam sẽ sớm được gỡ “thẻ vàng”, từ đó hướng tới phát triển nghề cá bền vững.
Ngày 21-6-2019, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chỉ rõ tồn tại, hạn chế. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn về công tác chỉ đạo, điều hành; đầu tư về vật chất, con người, cách thực hiện để ngăn chặn, loại bỏ khai thác bất hợp pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.