(HNM) - HĐND thành phố hiện có 30 tổ đại biểu ứng cử tại các quận, huyện, thị xã. Trong một năm, đại biểu HĐND thành phố thường tiếp xúc cử tri trước và sau hai kỳ họp thường kỳ.
Trong các đợt tiếp xúc, đại biểu HĐND thành phố có nhiệm vụ tiếp thu, tổng hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở đơn vị bầu cử để phản ánh với HĐND và các cơ quan nhà nước; báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, tuyên truyền thực hiện tốt pháp luật… Thông thường, trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, các đại biểu dân cử tham dự khá đầy đủ nên chất lượng cuộc tiếp xúc luôn được cử tri đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện có một thực tế là trong hoạt động tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp, vì những lý do khác nhau, một số đại biểu lại vắng mặt. Ngay tại đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố khóa XV mới đây, hiện tượng này diễn ra ở không ít địa phương.
Điều 115, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ địa vị pháp lý của đại biểu HĐND: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Hoạt động tiếp xúc cử tri là dịp đại biểu HĐND thành phố hoàn thành trách nhiệm với cử tri địa phương, nắm bắt các vấn đề bức xúc, bất cập ở cơ sở mà cử tri phản ánh, kiến nghị... Thiết nghĩ, dù có lý do chính đáng, hiện tượng một số đại biểu HĐND thành phố vắng mặt tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp vẫn cần khắc phục.
Ngoài ra, nên chăng có thêm hình thức đổi mới, thay vì tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thì chuyển thành hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, tạo thêm cơ hội để người dân kiến nghị tập trung vào một vấn đề quan tâm. Qua đó, đại biểu cũng nắm bắt sâu các nội dung, giúp việc giám sát, thực hiện các thẩm quyền theo luật định hiệu quả hơn và cũng nhờ vậy, hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ đạt hiệu quả hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.