(HNM) - Ngày 5-3, tại TP Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn Tiếp thị sẽ tổ chức lễ trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2010 cho các doanh nghiệp được bình chọn trong cả nước. Đây là dịp người tiêu dùng vinh danh gần 800 doanh nghiệp uy tín nhất.
Hưởng ứng cuộc vận động lớn…
Việc bình chọn danh hiệu này dựa trên quá trình điều tra tiêu dùng diễn ra xuyên suốt trong năm, từ người tiêu dùng trực tiếp, từ hệ thống phân phối theo tiêu chí nhất quán (trong đó có thẩm định hồ sơ doanh nghiệp, đánh giá của các cơ quan quản lý). Kết quả cho thấy, có 776 doanh nghiệp đạt tiêu chí do người tiêu dùng bình chọn đã chính thức được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong số đó có 204 sản phẩm đạt danh hiệu "Sản phẩm Việt Nam tốt nhất", 136 doanh nghiệp ở 10 nhóm dịch vụ được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu "Dịch vụ tốt nhất năm 2010" (tỷ lệ 1% trên cỡ mẫu điều tra 2/10.000 dân số). Tại lễ trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay cũng sẽ công bố 306 doanh nghiệp đã được nhượng quyền sử dụng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao từ năm 2010.
Kinh Đô, thương hiệu nhiều năm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. |
Danh sách các doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn, thông qua kết quả điều tra trên phạm vi cả nước của nhà tổ chức chương trình (báo Sài Gòn Tiếp thị), là minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong hành trình xây dựng uy tín và tạo nên vị thế riêng cho sản phẩm của mình bằng thương hiệu vững mạnh. Năm 2010 đánh dấu chặng đường mới của Hàng Việt Nam chất lượng cao khi nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành "Nhãn hiệu chứng nhận" theo Luật Sở hữu trí tuệ mới, logo Hàng Việt Nam chất lượng cao là một dấu hiệu nhận biết chất lượng sản phẩm được chứng nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Tại lễ trao danh hiệu, Ban tổ chức chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng phát động chương trình "Doanh nghiệp hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây là một trong những biểu thị tích cực và cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong tiến trình thực hiện cuộc vận động lớn có ý nghĩa sâu sắc và lâu dài, do Bộ Chính trị khởi xướng vào giữa năm 2009.
Và "cuộc dân vận về kinh tế"
Bắt đầu từ năm 1997, đến nay đã bước sang năm thứ 14, Hàng Việt Nam chất lượng cao là một chương trình dành cho các doanh nghiệp, hướng về người tiêu dùng. Nền tảng là cơ sở điều tra xã hội học, với nhân vật trung tâm là người tiêu dùng, lấy phán quyết của người tiêu dùng làm động lực và thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành "một cuộc vận động lớn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam, một cuộc dân vận về kinh tế" như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói khi đang là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã hỗ trợ quảng bá hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển thương hiệu và mạng phân phối rộng khắp và xây dựng sức mạnh cạnh tranh cho hàng Việt.
Đến bây giờ, Hàng Việt Nam chất lượng cao không còn trong biên giới nước ta mà nó là thương hiệu uy tín ở nước láng giềng Campuchia. Từ ngày 25 đến ngày 29-11-2009 đã diễn ra "Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh và CLB Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại tỉnh Battambang (Campuchia). Ông Huỳnh Tấn Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: Vài năm trước, hàng của Thái Lan chiếm 70% tại thị trường Campuchia, các nước còn lại như Việt Nam, Trung Quốc… chỉ chiếm khoảng 30%. Đến nay, lượng hàng hóa của Việt Nam, Trung Quốc… đã chiếm 70%, còn của Thái Lan là 30%. Các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam được người dân Campuchia ưa chuộng là bánh, kẹo, mì tôm, thực phẩm chế biến, gia vị, sản phẩm nhựa, đồ bếp, các thiết bị vật tư nông nghiệp, giống cây trồng…
Có thể thấy, sau hành trình 14 năm hoạt động, chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao đã thực sự khẳng định vai trò cổ vũ cho hàng nội, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hàng hóa, phát triển thương hiệu và mạng phân phối; đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sự phù hợp của giá cả và chất lượng của hàng hóa, góp phần mang lại sự hài lòng và cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng ngày càng tốt hơn cho người Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.