(HNM) - Hội đủ tiềm năng, lợi thế song Hà Nội còn thiếu cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trở thành thành phố thông minh, sáng tạo.
Đó là nhận định của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia... tham dự hội thảo “Lý luận, kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp văn hóa và định hướng gợi mở cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” diễn ra ngày 28-2, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Hội đủ tiềm năng
Trong “Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, CNVH gồm các ngành: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa… Việc phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để tiên phong phát triển CNVH, đưa thành phố trở thành trung tâm sáng tạo. Hàng nghìn công trình văn hóa còn hiện hữu, hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ hoạt động sôi nổi, đời sống đô thị giàu nhịp điệu, bản sắc… chính là nguồn “nguyên liệu” đầu vào của nhiều ngành CNVH. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hệ thống các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học phân bố rộng khắp, rất thuận lợi cho việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới - những yếu tố quan trọng nhất của CN sáng tạo. “Tiềm năng và thế mạnh về lịch sử, văn hóa, con người là cơ sở, nền tảng vững chắc để Hà Nội xây dựng và phát triển ngành CNVH” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Trên thực tế, những thế mạnh về văn hóa, con người ở Hà Nội đã được khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, song hiệu quả chưa như mong muốn. Ngành CNVH đã bắt đầu manh nha ở Hà Nội, nhưng chưa có sự định hướng rõ ràng, chủ yếu là phát triển tự phát. Trong khi đó, nhiều thành phố trên thế giới có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ phát triển các ngành CNVH. Điển hình như TP Bangdung (Indonesia) đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nhờ phát triển ngành CN thời trang với sản phẩm chủ đạo là áo thun (T-shirt). Nhìn rộng hơn, các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều tập trung nguồn lực để phát triển CNVH, coi CNVH là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Từ thực tế đó, PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) mong muốn TP Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm quan tâm phát triển CNVH.
Tạo dựng môi trường, thay đổi chính sách
PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, “định vị” các ngành CNVH trong quá trình phát triển của Thủ đô, từ đó xây dựng tầm nhìn chiến lược cùng các chính sách, các mô hình phát triển. Giai đoạn đầu, các chính sách cần tập trung vào việc thúc đẩy khai thác các giá trị văn hóa hiện có để phát triển các sản phẩm. Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn kiến nghị các ngành chức năng của thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn tương tự Festival âm nhạc “Gió mùa”, Tuần lễ phim quốc tế Hà Nội; chủ động đầu tư xây dựng các không gian sáng tạo, tạo môi trường cho các tổ chức, cá nhân thực hành các ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra, Hà Nội có thể thành lập một tổ chức hỗ trợ phát triển sáng tạo, gồm đại diện các ngành chức năng, hiệp hội có liên quan như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… Với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, tổ chức này sẽ cho vay, giúp đỡ, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo.
Ở góc độ khác, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo nhận định, Hà Nội không thiếu tiềm năng để phát triển CNVH, vì vậy thành phố cần có chính sách thu hút nguồn lực sáng tạo và kinh doanh sáng tạo; từng bước xây dựng hạ tầng, không gian sáng tạo... “Việc hình thành các không gian sáng tạo là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh của thành phố sáng tạo. Các không gian này có thể hiện diện với tư cách một quần thể các doanh nghiệp sáng tạo (tương tự như Miami Design District, Florida của Hoa Kỳ hay Hanoi Creative City); một khu vực trưng bày các sản phẩm sáng tạo (kiểu như Dubau Creative Hub hoặc phố đi bộ quanh Hồ Gươm), hoặc các khu “chợ” buôn bán, trao đổi hàng hóa sáng tạo…” - ông Lê Quốc Vinh kiến nghị.
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ đưa vấn đề phát triển CNVH vào các chương trình, kế hoạch phát triển của TP Hà Nội. Hướng phát triển các ngành CNVH sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mong muốn, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ phát huy khả năng sáng tạo, chung sức, đồng lòng cùng các ngành chức năng đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo, thông minh bằng con đường phát triển CNVH.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.