(HNMO) - Đề xuất làm hồi sinh dòng sông Tô Lịch và tạo nên một “điểm nhấn văn hóa” thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô của JVE Group đang nhận được nhiều kỳ vọng của người dân Hà Nội.
Một dự án táo bạo
Sông Tô Lịch đã gắn bó với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội cả nghìn năm. Dòng sông xưa thơ mộng, nước trong xanh đầy tôm cá, không chỉ có giá trị về giao thông đường thủy mà còn có giá trị về giao thương, cung cấp nước tưới tiêu cho làng xóm làm nông nghiệp 2 bờ sông và là nguồn thủy sản nuôi sống bao người. Khi ngoại bang xâm lược, dòng sông như một chiến lũy bảo vệ kinh thành. Khi mùa mưa lũ đến, nó là dòng chảy tiêu thoát nước tránh cho kinh thành khỏi bị ngập lụt. Vượt lên tất cả, sông Tô Lịch là vùng mặt nước sinh thái tạo ra khí hậu tuyệt vời cho kinh thành Thăng Long và cũng là nơi du thuyền thư giãn tinh thần cho cả cộng đồng.
Cuối thế kỷ XIX, người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch phố phường. Từ đó, con sông này không còn nhận được nước lưu thông với sông Hồng để đổ về hạ nguồn mà ngày đêm bị bức tử bằng nguồn nước thải khổng lồ trong khu vực nội thành Hà Nội đổ vào.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn tuyến sông Tô Lịch có hơn 280 cửa xả nước thải, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mà xả trực tiếp xuống dòng sông. Đã có không ít các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… được tổ chức để tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Tuy nhiên, sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nặng.
Trước thực trạng trên, Công ty CP Tập đoàn môi trường Việt Nhật JVE (JVE Group) đã đề xuất hồi sinh dòng sông Tô Lịch, xây dựng dòng sông này thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch.
Đề xuất của JVE Group hướng tới 3 mục tiêu: Khôi phục, phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sông Tô Lịch; kết hợp với giải pháp thoát nước công nghệ trong lưu vực sông cũng như giải quyết vấn đề ngập úng và đảm bảo điều kiện thoát nước tốt hơn; kết hợp tuyến giao thông ngầm dọc sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group, nhận định sông Tô Lịch là dòng sông hở, khi mưa lớn không riêng mực nước sông Tô Lịch dâng cao, mà các dòng sông khác cũng dâng lên dẫn đến nước không thoát kịp xuống hạ lưu, nước từ các cửa cống đổ ra dòng sông này bị ứ lại, gây ngập úng cục bộ tại các khu dân cư.
“Có hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, khi mưa lớn, nước sẽ chảy vào hệ thống này và thoát nhanh xuống, không liên quan đến mực nước của dòng sông. Hệ thống hầm ngầm này giống như dòng sông ngầm ở dưới sông Tô Lịch có tác dụng tích trữ nước, khi mưa bão đi qua mới bơm nước ra ngoài. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng mưa ngập như hiện nay ở Hà Nội. Giải pháp chống ngập này đã được xây dựng ở Nhật Bản và đem lại hiệu quả rất cao”, ông Tuấn Anh giải thích.
Quy mô dự án gồm 2 hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (ở phía dưới mặt đất). Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Hai bờ kè dốc hiện có sẽ được phá dỡ và xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng; xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân.
Phía dưới đường dạo tính toán đặt các cửa tràn thu nước dẫn dòng vào hệ thống hầm ngầm chống ngập để khống chế mức nước trên sông khi có lũ hoặc khi có nguồn nước bổ cập vào sông.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự án sẽ không tác động đến khi dân cư sống ở hai bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án; không thu hẹp lòng sông, không bê tông hóa, cứng hóa đáy sông…
Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị… vốn gây nhiều bức xúc trong những năm qua.
Tìm kiếm những biện pháp hữu hiệu nhất
Không riêng Tô Lịch, các sông nội đô của Hà Nội như: Kim Ngưu, Lừ, Sét cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thoát nước chung của thành phố, có giá trị lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và môi trường. Tuy nhiên, các sông này đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và Hà Nội chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả triệt để.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có xác định nội dung cụ thể là xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trong lưu vực sông Tô Lịch.
Nhằm triển khai Nghị quyết 15-NQ/TƯ, thành phố Hà Nội đã họp và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành nghiên cứu, tiếp cận tổng thể để xử lý những vấn đề liên quan đến sông Tô Lịch để có thể giữ được nét văn hóa lịch sử của dòng sông, vừa giải quyết được vấn đề ngập úng, thoát nước và xả thải; tạo được những giá trị không gian cảnh quan cho Thủ đô.
Trong quá trình kiểm soát, cải thiện ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, Hà Nội đã triển khai các dự án đầu tư như: Cải tạo hạ tầng thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc sông Tô Lịch; xây dựng khu công trình đầu mối trạm bơm Yên Sở…
Hiện nay, Thủ đô đang triển khai xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô”, trong đó có sông Tô Lịch…
Nói về đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa, hầm chống ngập và cao tốc ngầm của JVE Group, các chuyên gia đều đánh giá đây là ý tưởng mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, muốn biến thành thực tế, phải thực hiện đồng bộ từ chính sách, hình thức quản lý và công nghệ kỹ thuật.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết.
Ông Nghiêm cho rằng, dự án của JVE Group cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Đối với ý tưởng xây đường cao tốc ngầm kết hợp hầm chống ngập, ông Nghiêm cho rằng chưa nên bàn vội vì phải xác định mục tiêu và nguồn vốn.
GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, không nên “ôm đồm” quá nhiều mục tiêu khôi phục sông Tô Lịch. “Vấn đề hiện nay là phải xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông rồi sau mới tính đến những việc khác”, ông Uyển nhấn mạnh.
Đề cập vấn đề xử lý môi trường và tiêu thoát ngập cho Hà Nội, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhận định, để sông Tô Lịch có thể sạch sẽ hơn hiện nay thì cần kíp nhất là làm sao tách hoàn toàn nước thải ra khỏi sông.
Ông Học cho rằng, việc làm bể ngầm ở lưu vực sông Tô Lịch để chứa nước mỗi khi mưa lớn như đề xuất của JVE Group cần phải tính toán kỹ vì vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả thì chưa chứng minh được bằng cơ sở khoa học.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần cân nhắc việc tách cao tốc ngầm và hầm ngầm chống ngập ra khỏi đề xuất để dự án có tính khả thi hơn.
“Nói đến đường hầm, chúng ta phải quan tâm đến địa chất, địa hình. Hà Nội hiện nay chưa có đường hầm qua sông, còn ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hầm Thủ Thiêm. Lý do Hà Nội chưa có bởi tầng địa chất ở vùng Đồng bằng sông Hồng khác Đồng bằng sông Cửu Long. JVE Group có nêu ví dụ về Malaysia làm hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm thành công nhưng nên lưu ý địa hình, địa chất của Malaysia khác Hà Nội”, ông Hồng nhận định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch của JVE Group có thể đem lại diện mạo mới cho Thủ đô, có quy mô rất lớn, đổi mới về mặt công nghệ nên cần phải đặt ra những yêu cầu tổng thể về quy hoạch và nguồn lực, cơ chế, chế tài…
“Thành phố luôn quan tâm, tìm kiếm những biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo nguồn nước ô nhiễm tại các sông, hồ Hà Nội. Những nội dung của đề xuất này khá mới và cần được các sở, ngành nghiên cứu, tiếp cận có định hướng, có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học. Hơn nữa, đây là dự án lớn, cần thời gian dài chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nguồn lực để thực hiện là rất lớn, do đó cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét tính khả thi của đề xuất”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.