(HNM) - Vai trò của đội ngũ doanh nhân - những người lãnh đạo đơn vị sản xuất, kinh doanh, đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Điều đó khẳng định việc vươn lên, làm giàu của đội ngũ này và đóng góp ngày càng lớn cho cộng đồng chính là tiền đề để có đời sống no ấm, phát triển.
Khẳng định vị thế của doanh nhân
Nhận thức rõ vai trò của giới doanh nhân, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, ngày 9-12-2011, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong đó, Đảng ta xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Đến nay lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, song hành cùng dân tộc, xây đắp nền kinh tế tự cường và từng bước phát triển; đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Thành quả đó có được từ sự kết hợp của việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bên cạnh nỗ lực tự thân, khát vọng riêng trong mỗi doanh nhân. Hàng loạt văn bản, quy định pháp lý ra đời cũng như được bổ sung, điều chỉnh đã làm cho môi trường đầu tư - kinh doanh trong nước trở nên tiến bộ, nâng cao sức cạnh tranh hơn qua thời gian. Chưa bao giờ hệ thống pháp luật về kinh tế được hoàn thiện, đầy đủ và đồng bộ như hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu được hoạt động trong môi trường văn minh, bình đẳng. Không phải ngẫu nhiên kinh tế Việt Nam liên tục đứng trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao hàng đầu thế giới nhiều năm qua cũng như được đánh giá là nơi có môi trường kinh doanh thân thiện, tiến bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
Với quan điểm “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân”, cộng đồng doanh nghiệp đã có khoảng 865 nghìn đơn vị mà đứng đầu là những doanh nhân bản lĩnh, dám đương đầu với thử thách. Đội ngũ doanh nhân thực chất là những người đóng góp và quyết định quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP) hằng năm, trong đó riêng khu vực tư nhân đã đóng góp hơn 46% GDP.
Nói như Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, doanh nhân Việt Nam có bản sắc, bản lĩnh, gắn bó mật thiết với đất nước, sẵn sàng chia sẻ và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước… Nhiều doanh nhân luôn vững vàng, biết tìm cơ hội cũng như vượt qua khó khăn để đứng vững và phát triển. Hàng nghìn tỷ đồng huy động cho mục đích thiện nguyện, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua là chứng thực cho trách nhiệm, tấm lòng của giới doanh nhân. Cộng đồng và đối tác thế giới đã ghi nhận hình ảnh, thương hiệu đại diện cho Việt Nam như Viettel, Vinamilk, Vietcombank… Nhiều sản phẩm mang giá trị Việt, từ công nghệ cao đến hạt gạo được xuất khẩu với số lượng và chất lượng hàng đầu, đang ghi đậm dấu ấn với giới tiêu dùng.
Tăng lượng, nâng chất, chủ động hỗ trợ
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nhân, doanh nghiệp, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Đó là việc chủ động tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh tiến bộ, minh bạch, thật sự bình đẳng để mỗi doanh nhân có điều kiện thuận lợi phát huy trí lực, nguồn lực, năng lực sáng tạo của mình. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trên bình diện quốc gia, sớm nâng cả về số lượng, chất lượng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục là hành động thiết thực, giúp giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp; trực tiếp tạo ra phong trào cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với chính quyền các địa phương.
Về phần mình, cộng đồng doanh nhân mong muốn xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và địa phương. Đây là yêu cầu mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu tiếp thu, phản biện đa chiều, thể hiện mối quan tâm và đề cao sự tương tác giữa chính quyền - doanh nhân; hướng tới sự tiến bộ và hài hòa để thúc đẩy phát triển.
Những năm qua đều có các diễn đàn, đối thoại ở cấp độ khác nhau, nhưng đều hướng về doanh nghiệp, doanh nhân. Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp, đối thoại cùng doanh nghiệp; giữa các bộ, ngành và chính quyền tỉnh, thành phố với doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Nhiều vướng mắc được tháo gỡ, căn chỉnh. Cộng đồng doanh nhân đánh giá cao hoạt động mang tính công khai, cởi mở này.
Một vấn đề cũng được nhiều doanh nhân quan tâm là xây dựng các cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn với doanh nhân trong quá trình kinh doanh. Đó là yêu cầu tạo dựng và duy trì tính công bằng cũng như yêu cầu minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan công quyền với doanh nghiệp, trên tinh thần tuân thủ pháp luật. Bảo đảm được yêu cầu này chính là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền công vụ hiện đại, văn minh, tối giản trong quy trình, lược bỏ các quy định bất hợp lý; loại bỏ tiêu cực, phiền hà để giảm gánh nặng cho doanh nhân trong quá trình vận hành doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.