Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đất đai là nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân

Đỗ Minh| 07/03/2023 18:57

(HNMO) - Chiều nay, 7-3, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.

Những quy định mới giúp nông dân có nền tảng tích tụ ruộng đất

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến toàn thể các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức; trong đó nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)…

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật rất quan trọng, có thể coi là đạo luật gốc, tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống nhân dân. Đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế của hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân, mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Những quy định mới về đất đai sẽ giúp nông dân có nền tảng tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, từ đó góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị..., giúp ngành Nông nghiệp tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 nội dung trọng tâm. Đó là, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa phát biểu ý kiến.

Góp ý vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa đề nghị nên chia các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng làm 3 nhóm: Nhóm 1 là thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; nhóm 2 là để xây dựng các công trình dự án thương mại; nhóm 3 là để thực hiện các công trình vừa phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung, vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.

Lấy ý kiến cụ thể vào từng điều, khoản trong dự thảo Luật

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, trong đó, có khoảng 15 triệu người tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân là hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tính toán đến các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng Nghị quyết về kinh tế tập thể, xác định rõ vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhấn mạnh đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất, mà còn là vấn đề an ninh lương thực…

Gợi mở các vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, đất rừng, tích tụ ruộng đất, tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc các cấp, cho phép người dân giám sát, tham gia quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật…, Phó Thủ tướng đề nghị các ý kiến đóng góp tại hội nghị này cũng cần cụ thể, đi vào các quy định trực tiếp trong từng điều, khoản.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam góp ý, tại điểm b, khoản 3 Điều 68 quy định: “Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện”. Theo ông, điều luật này cần bổ sung hình thức công khai ý kiến đóng góp và việc giải trình tiếp thu trên trang thông tin của UBND cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc lấy ý kiến về dự thảo Luật, đặc biệt là tọa đàm của Hội Nông dân các cấp chuyên sâu về các nội dung liên quan đến đất nông nghiệp, đất nông lâm trường, đất rừng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, ngân hàng đất nông nghiệp… rất có ý nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghi Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật này, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề được sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, tăng cường tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện từ cộng đồng, xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đất đai là nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.