Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dễ dẫn đến quá tải nếu chỉ giao Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai

Phương Nam| 02/03/2023 18:54

(HNMO) – Trong các ngày 1 và 2-3-2023, Thường trực HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023.

Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Các đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chi tiết. Đơn cử, góp ý Điều 85 về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Giám đốc chương trình, Trưởng Bộ môn Bất động sản Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung cơ chế giải quyết khiếu nại và tiếp thu phản hồi của những người có tài sản và quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng. 

“Cần nêu rõ cấp thẩm quyền nào có quyết định cuối cùng. Cụ thể, nếu thẩm quyền thu hồi đất là UBND cấp tỉnh, thì tương ứng, Ủy ban Thu hồi đất trung ương sẽ là nơi lắng nghe và đưa ra quyết định cuối cùng dành cho khiếu nại. Nếu thẩm quyền thu hồi đất là UBND cấp huyện, thì Ủy ban Thu hồi đất cấp tỉnh sẽ là nơi lắng nghe và đưa ra quyết định cuối cùng”, Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan nói.

Lần đầu tiên, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Còn Thạc sĩ Lê Nhật Bảo, giảng viên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về quy định hoà giải tại UBND cấp xã, điểm b khoản 2 Điều 224 trong dự thảo quy định thành phần hoà giải tại UBND cấp xã gồm có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác, nhưng lại không nêu phạm vi xác định “các tổ chức xã hội khác” là thế nào, dễ dẫn đến khó triển khai hoặc lạm dụng.

Cũng theo Thạc sĩ Lê Nhật Bảo, dự thảo quy định (Điều 225) thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về cơ quan Tòa án, không còn giao quyền giải quyết tranh chấp theo con đường hành chính. Như vậy, có thời điểm, một lượng lớn các vụ tranh chấp đất đai sẽ dồn về tòa, gây quá tải và phức tạp trong xử lý, vì trình tự chặt chẽ hơn so với giải quyết hành chính, dân sự. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Tại các hội nghị, hội thảo, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung một chương riêng về đất do Nhà nước quản lý. Hiện vấn đề này được điều chỉnh trong các luật khác nhau và có sự không tương thích, thậm chí là xung đột giữa các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới tài sản công.

Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 6 tổ chức ngày 2-3.

Cùng với đó, các đại biểu cũng góp ý về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; miễn, giảm thuế tiền sử dụng đất cho ngành y tế…

Kết thúc các buổi hội nghị, hội thảo, Thường trực HĐND thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp nhận, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến đóng góp và nghiên cứu để góp ý cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dễ dẫn đến quá tải nếu chỉ giao Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.