(HNM) - Theo các chuyên gia, nếu quá dễ dãi các ngân hàng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao…
Theo các chuyên gia, nếu quá dễ dãi các ngân hàng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao…
Doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn vay vốn khi hàng tồn kho còn nhiều, khiến một lượng vốn lớn bị "ứ" đọng, đẩy ngân hàng vào tình trạng khó tăng trưởng tín dụng. Những DN còn tồn tại ngại vay vốn, số DN giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng, với hơn 20.000 DN, cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng tín dụng của ngân hàng.
Một số ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc “đẩy” nguồn vốn ra thị trường. Ảnh: Phương Thanh |
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng nguồn vốn huy động ở hai "đầu tàu" kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng, trong khi nguồn vốn vay lại ít chuyển biến cho thấy tình trạng "đọng" vốn của hệ thống tổ chức tín dụng. Riêng TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm, tổng vốn huy động đạt 1.036,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so cuối năm 2012. Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,8% tổng vốn huy động, giảm 14,9% so với cùng kỳ, còn lại là vốn huy động VND, tăng 18,3%. Tổng dư nợ tín dụng tăng 2,6% so cuối năm 2012. TP Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động đạt 948.350 tỷ đồng, tăng 5,7%, trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 11,2%, tiền gửi thanh toán tăng 5,3%. Tổng dư nợ cho vay đạt 663.908 tỷ đồng, tăng 1,7%, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,3%, trung và dài hạn tăng 2,3%. Nhìn vào con số tăng huy động và tín dụng, rõ ràng là đầu vào đang dư thừa, còn đầu ra bị "thắt" lại. Ngân hàng đang rơi vào cảnh phải tiếp tục huy động nguồn tiền gửi từ người dân và DN nhưng không thể giải ngân nguồn vốn. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra cho cả năm 2013 là 12%, tức là các ngân hàng sẽ phải "vắt chân lên cổ" để chạy cho đủ chỉ tiêu tín dụng. Khó cho vay DN trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, ngân hàng xoay sang khách hàng cá nhân với việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Từ chỗ khắt khe trong tiêu chuẩn cho vay tiêu dùng để hạn chế rủi ro, tránh nợ xấu, chỉ tiêu tăng trưởng treo lơ lửng khiến ngân hàng phải tìm cách "mở" tiêu chuẩn cho vay.
Một ngân hàng nước ngoài có văn phòng đại diện ở Việt Nam chào mời khách hàng với khoản vay lên đến 500 triệu đồng, lãi suất từ 1,75%/tháng trên dư nợ giảm dần (tương đương 0,97%/ tháng trên lãi suất cố định), không cần thế chấp hay tài sản bảo đảm. Một ngân hàng có yếu tố nước ngoài khác lại "quảng cáo" sẽ giải ngân nhanh trong vòng 48 giờ, khoản vay lên đến 250 triệu VND, thời hạn vay linh hoạt từ 12 đến 48 tháng, thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Khách hàng không cần thế chấp tài sản hay bảo lãnh công ty, lãi suất tính trên dư nợ giảm dần, từ 22%/năm. Ngân hàng khác hút khách hàng bằng cách tặng phiếu mua sắm trị giá 1 triệu đồng và hưởng lãi suất 1,5%/tháng (18% mỗi năm) khi đăng ký vay tiêu dùng kỳ hạn 60 tháng. Ngay cả những ngân hàng cổ phần quy mô trung bình cũng "chạy đua" với những chương trình cho vay tiêu dùng tín chấp, với nhiều tiêu chí có vẻ hấp dẫn như thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, không cần tài sản bảo đảm, số tiền vay lên tới 300 triệu đồng, thời gian vay tối đa 36 tháng. Không chỉ có ngân hàng quy mô nhỏ, những ngân hàng có yếu tố nhà nước, với quy mô lớn hơn cũng không đứng ngoài cuộc với cho vay tiêu dùng và nhìn chung đều đưa ra điều kiện khá "thoáng" là không cần tài sản bảo đảm.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cho rằng, các ngân hàng đang tìm cách đẩy nguồn vốn ra thị trường. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không phải là nguồn vốn, bởi hầu hết đều dư thừa vốn, khó khăn là tìm được khách hàng để cho vay. Theo tính toán, có khoảng 70-80% DN không đáp ứng các điều kiện cho vay nên để có thể tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã phải tính đến cách hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, thậm chí còn cạnh tranh với đơn vị khác bằng việc mua lại nợ để kéo khách hàng về. Rõ ràng là sức ép về hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng có thể đẩy ngân hàng vào rủi ro. Cộng với đó, để có thể tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng lại triển khai rầm rộ những chương trình cho vay tiêu dùng, với những điều kiện vay đơn giản hơn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng toàn hệ thống.
Theo các chuyên gia, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng, nếu tìm cách tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá sẽ để lại hệ lụy xấu cho toàn hệ thống, cũng như cho toàn bộ nền kinh tế. Sức ép tăng trưởng tín dụng lớn song không có nghĩa là phải hạ tiêu chuẩn tín dụng để tăng "bừa". Nên chăng, NHNN điều chỉnh bớt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, để các ngân hàng không bị đẩy vào thế chạy đua hay tìm mọi cách để đạt được kỳ vọng?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.