(HNM) - Muốn xây dựng nền kinh tế tự cường, Việt Nam cần có đội ngũ doanh nghiệp đông về số lượng, mạnh về chất lượng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Để thực hiện chiến lược đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016, đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6-2019, cả nước mới có 750 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, thách thức với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khi quỹ thời gian chỉ còn một năm rưỡi là rất lớn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã đúng khi chọn khâu đột phá là xây dựng quốc gia khởi nghiệp; ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - hiện chiếm tới 97% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động, 14,6% kim ngạch xuất khẩu, tạo ra 64% việc làm và đóng góp 40% GDP… phát triển lớn mạnh, đủ sức tham gia “sân chơi” khu vực và toàn cầu, trong quá trình hội nhập.
Song, có một thực tế là trong 3 năm qua tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn còn khá lớn so với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Và trong cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tới 95%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quen tư duy làm ăn bài bản, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường... khi đa phần chuyển từ mô hình hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện 3 nhóm hỗ trợ quan trọng nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (tiếp cận tín dụng; mặt bằng sản xuất; thông tin, tư vấn và pháp lý) của cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự hiệu quả.
Để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, ngày 24-6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 16-8-2019.
Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có quy định mang tính đột phá, được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá cao. Đó là các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “trả lời đối với vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong áp dụng chung về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương do mình quản lý trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp vướng mắc phức tạp thì có thể trả lời trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu” và “đăng tải các bản án của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh là một bên có liên quan lên cổng thông tin điện tử”.
Sở dĩ nói “đột phá” là vì quy định yêu cầu công khai, có thời hạn cụ thể này sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng “ngâm” công văn, văn bản, “hành” doanh nghiệp nhỏ và vừa của một bộ phận cán bộ cơ quan công quyền.
Quan trọng hơn, khi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp… phải chủ động, tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý - một điểm yếu của các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể hơn, có không ít chủ doanh nghiệp chưa ý thức về vai trò quan trọng của pháp lý và kiến thức pháp luật. Trong khi, doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm dễ bị “tổn thương” nhất trong thương trường, luôn có tỷ lệ ngừng kinh doanh, phá sản cao nhất, do yếu, thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị tài chính - kế toán; lại không nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố pháp lý dẫn đến làm bừa, làm ẩu, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro gây thiệt hại về kinh tế hoặc vi phạm pháp luật.
Rõ ràng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP là rất cần thiết, kịp thời. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành, địa phương phải gấp rút đưa nội dung văn bản này vào cuộc sống, thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” của Nhà nước.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật; đón nhận các hỗ trợ pháp lý từ cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương…
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đặc biệt khi mức độ hội nhập quốc tế của nền kinh tế đã ở mức cao, các doanh nghiệp nhỏ và vừa như những con tàu nhỏ hoạt động trên biển. Do đó, bên cạnh việc phải lớn mạnh về quy mô, năng lực quản trị, sản xuất, cạnh tranh…, doanh nghiệp bắt buộc phải am hiểu kiến thức pháp luật, kinh doanh theo pháp luật (cả luật pháp trong nước cũng như luật lệ quốc tế), hiểu lợi ích, nguy cơ của các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, nếu muốn tồn tại và phát triển. Chỉ khi ấy "tàu nhỏ" mới vững vàng đi trên "biển lớn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.