Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có Hà Nội đẹp trong ứng xử

Thống Nhất| 18/06/2016 07:55

(HNM) - Giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh ở 100% các trường học trên địa bàn thành phố là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành GD-ĐT Thủ đô giai đoạn 2016-2020.

Nhìn lại những nỗ lực của ngành giáo dục, sự chuyển biến từng ngày về ý thức chấp hành các quy định về giao thông trong xã hội, có thể tự tin rằng, mục tiêu trên đang gần lại, góp phần xây dựng một Hà Nội đẹp trong ứng xử.

Học sinh thực hành kỹ năng tham gia giao thông.


Đa dạng nội dung giáo dục lớp trẻ

Giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh (HS) đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của ngành giáo dục Thủ đô trong nhiều năm trở lại đây, với vị trí được xác định quan trọng không kém nhiệm vụ dạy học. Ở từng thời điểm, tùy từng cấp học, việc tuyên truyền, giáo dục HS chấp hành quy định giao thông được triển khai với các nội dung, mức độ khác nhau. Cách đây khoảng 5 năm, khi tình trạng HS phổ thông sử dụng xe máy khi chưa có giấy phép lái xe nhiều, khiến dư luận xã hội bức xúc, ngành giáo dục và Công an thành phố đã ký kết quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục, trong đó nội dung trọng tâm là quản lý HS trong việc sử dụng xe máy phân khối lớn. Nội dung này được thí điểm từ năm học 2009-2010 tại 6 trường khu vực nội thành, tới năm thứ ba thì triển khai đại trà tại tất cả các trường học trên địa bàn thành phố cho đến nay.

Cùng thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành việc biên soạn và đưa vào giảng dạy tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS", nhằm giáo dục HS về thái độ, hành vi cơ bản trong giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày để trở thành những công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh. Cho đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất thực hiện nội dung này tại các nhà trường. Tài liệu được đưa vào giảng dạy cho HS ở cả ba cấp học, trong đó có nội dung về lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) với các mức độ khác nhau. HS cấp tiểu học được nhận diện các hành vi, thái độ đúng - sai thông qua các tình huống liên quan đến các quy định ATGT thường gặp hằng ngày. HS cấp THCS và THPT, ngoài nội dung về kiến thức giao thông đơn thuần, còn được rèn luyện và định hướng để học tập, làm theo những hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá: Dù vẫn còn phải cố gắng nhiều, song đã có những chuyển biến rõ nét về ý thức của hầu hết HS. Số lượng HS vi phạm quy định ATGT giảm, ý thức chấp hành các quy định giao thông của HS có tiến bộ. Qua thống kê tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2015-2016 ở nhiều nhà trường, tỷ lệ HS đội mũ bảo hiểm đã tăng từ 10% lên khoảng 70-80%.

Nhiều nỗ lực từ người lớn

Khi ý thức chấp hành các quy định về ATGT của mỗi người còn chưa mang tính tự giác, thậm chí còn một bộ phận chỉ chấp hành đối phó, thì mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông còn ở rất xa. Đó là lý do Hà Nội từng huy động tổng lực, nhằm tạo chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của HS. Mức độ xử phạt HS vi phạm giao thông tăng; bố mẹ được yêu cầu phải ký cam kết nhắc nhở, giáo dục con hằng ngày về việc thực hiện quy định ATGT; lực lượng công an tăng cường kiểm tra, lắp đặt camera ghi hình tại khu vực gần trường; hiệu trưởng thường xuyên "vi hành" để trực tiếp nhắc nhở các trường hợp vi phạm…

Thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) cho biết: Nội dung tuyên truyền, giáo dục ATGT luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt năm học đối với cả HS và phụ huynh. Trách nhiệm của phụ huynh trong việc tạo lập ý thức tự giác chấp hành quy định về giao thông, dần hình thành nếp văn hóa giao thông cho HS là vô cùng quan trọng. Nếu không có sự vào cuộc của cha mẹ HS, thì những chủ trương lớn của nhà trường, trong đó có vấn đề giao thông rất khó đạt hiệu quả như mong muốn. Thầy cô có thể dạy bảo các em nhiều điều, song nếu bố mẹ không làm gương, không thường xuyên nhắc nhở, không quản lý nghiêm túc thì những dạy bảo đó cũng chỉ như muối bỏ bể.

Đặc biệt, có trường học tổ chức chuyên đề giáo dục ATGT cho HS khá hấp dẫn. Không dùng con số về thương vong để dẫn chứng như thường thấy, không phổ biến các quy định một cách khô cứng, cũng không diễn thuyết bằng những lời hoa mỹ, cô hiệu trưởng chọn cách tâm sự, trải lòng trước những học trò thân yêu của mình. Đó là những câu chuyện về tình yêu cuộc sống, về tình cảm gia đình, tình cảm thầy - trò, về những ước mơ, về sự tươi đẹp, hạnh phúc trong tương lai của các em… "Những điều tốt đẹp ấy rõ ràng chẳng khiến cho mỗi người đều cảm thấy quý vô cùng cuộc sống của bản thân và những người thân yêu bên cạnh quá đỗi hay sao? Vậy thì hãy cùng nhau hành động, bắt đầu từ những việc đơn giản hằng ngày như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không lái xe khi chưa đủ điều kiện, đi đúng phần đường khi tham gia giao thông…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để có Hà Nội đẹp trong ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.