Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có giải pháp tối ưu

Hoàng Thu Vân| 26/10/2011 06:38

(HNM) - Thảo luận ở tổ về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, đại biểu QH Dương Trung Quốc cho rằng, chi ngân sách vẫn nặng cơ chế

1. Thảo luận ở tổ về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, đại biểu QH Dương Trung Quốc cho rằng, chi ngân sách vẫn nặng cơ chế "xin - cho". Cơ quan quản lý rất có "lợi thế" trong việc cho hoặc không cho và hiện chưa có cơ chế kiểm soát được vấn đề này.

Nhiều đại biểu nhìn nhận, mặc dù năm 2011, Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu các đơn vị giảm chi thường xuyên; cắt giảm, đình hoãn các dự án chưa cấp thiết hoặc hiệu quả mang lại chưa cao... nhưng mức vượt chi ngân sách vẫn lên tới 9,7% (khoảng 70.400 tỷ đồng). Số tiền vượt dự toán như vậy là quá lớn. Phải chỉ ra bộ, ngành, địa phương nào chi tăng và chi không hiệu quả ?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vấn đề là đừng để đầu tư công, chi tiêu công trở thành nơi trục lợi cá nhân và tiêu cực. Bởi vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng xin chi càng nhiều, càng có lợi, để rồi dự toán được duyệt thì cứ chi, không cần biết hiệu quả thu được như thế nào...

Một đại biểu đoàn Thanh Hóa nêu ý kiến, cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, sắp xếp các thứ tự ưu tiên để các bộ, ngành, địa phương chủ động. Mặt khác, việc phân bổ ngân sách cũng cần tập trung về một đầu mối, không để cả Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính cùng chịu trách nhiệm như hiện nay.

Vậy là đã rõ phần nào nguyên nhân của tình trạng vượt chi ngân sách. Tựu trung lại là phải có định hướng, tiêu chí rõ ràng, cụ thể, đồng thời với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hiệu quả của đồng tiền bỏ ra trong từng dự án, như vậy mới có thể xóa đi điều kiện tồn tại của cơ chế "xin - cho", vốn chỉ gây ra thất thoát, lãng phí và là nguyên nhân góp phần làm nghèo đất nước.

2. Vừa rồi Bệnh viện E là đơn vị cuối cùng trong số 5 bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội hoàn thành ký kết thực hiện kỹ năng giao tiếp và ứng xử trong bệnh viện. Trong hàng loạt các cam kết có quy tắc.... "nói không với phong bì". Trong 15 năm qua, đây là lần thứ năm vấn đề xây dựng, củng cố y đức trong ngành y tế lại được đưa ra. Vậy tại sao cứ vài năm, chuyện này lại được xới lên và phát động thành phong trào rầm rộ ? Câu trả lời không khó, y đức của những người trị bệnh cứu người hiện nay... đang có vấn đề. Để rồi với người bệnh, khi bước chân vào bệnh viện không thể quên thủ tục "đầu tiên" được thể hiện bằng phong bì.

Liệu đây đã phải lần phát động cuối cùng và từ nay sẽ hoàn toàn chấm dứt vấn nạn đưa và nhận phong bì trong các bệnh viện? Chưa ai có thể dám chắc chắn đưa ra câu trả lời. Ngay một số lãnh đạo các bệnh viện còn cho rằng, phong bì hiện đã trở thành thông lệ, là "văn hóa giao tiếp" quen thuộc ở nhiều bệnh viện. Do đó có thể nó sẽ biến thái từ hình thức này sang hình thức khác.

Nếu cho rằng y đức của những người làm nghề là thượng tầng kiến trúc thì chúng ta hãy thử xem hạ tầng cơ sở hiện nay ra sao? Sự yếu kém của tuyến y tế cơ sở (cả về đội ngũ và phương tiện) dẫn đến tuyến trên và các bệnh viện lớn luôn quá tải, mô hình bệnh tật cũng ngày càng phức tạp. Do đó cả bác sĩ và người bệnh đều phải tìm ra cách thức cho công việc khám, chữa bệnh được trôi chảy hơn. Và chất "bôi trơn" cả hai phía đều thấy hợp lý là... phong bì. Vậy nên, nếu không giải quyết được hạ tầng cơ sở, đó là chất lượng đội ngũ làm nghề y, nâng cao mức thu nhập cho họ để ổn định cuộc sống, đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng quy mô các tuyến điều trị... thì e rằng phong trào "nói không với phong bì" lại sẽ rơi vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột", được một thời gian rồi ngành y tế lại phải nghĩ thêm phong trào mới.

Trong từng chuyện, tìm ra cái gốc của vấn đề là đặc biệt quan trọng, từ đó mới có thể tìm ra giải pháp đặc hiệu để khắc phục. Chưa hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề cũng như "bắt không đúng bệnh" sẽ dẫn đến cách giải quyết không hiệu quả. Một giải pháp tối ưu là phải đáp ứng được 3 yếu tố: Có tác dụng giải quyết vấn đề lâu dài, có tính khả thi và có tính hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để có giải pháp tối ưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.