Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để chê cho đúng…

Người Lái Đò| 15/05/2011 05:50

(HNM) - Gần đây, người ta chê phim truyền hình Việt Nam dở, thậm chí có trang mạng còn giật tít "Khán giả phát điên vì phim Việt Nam". Ngoài quan điểm chủ quan, người phê bình còn chọn đăng một số ý kiến, trong đó có những người hoạt động trong ngành điện ảnh và khán giả đồng quan điểm với họ. Phim truyền hình dở thật hay không?

Từ khi xã hội hóa phim truyền hình, các nhà sản xuất tư nhân đã đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm đủ phim Việt chiếu vào giờ vàng. Song, công bằng thì nhiều phim chưa hấp dẫn. Phim chưa hấp dẫn do cốt truyện không có gì mới lạ, tình tiết không có gì đặc biệt, lời thoại hình như đã nghe ở đâu đó. Phim không hấp dẫn có thể do kịch bản yếu, đạo diễn thiếu năng lực, diễn xuất của diễn viên yếu... Giữa khái niệm hay và hấp dẫn có sự khác biệt, người nhận xét nếu không am tường thì dễ dẫn đến phê bình chung chung hoặc áp đặt quan niệm chủ quan. Khó có thể nói phim dở chỉ vì quay một tập trong có mấy ngày. Nếu đạo diễn giỏi, bối cảnh sẵn sàng, các bộ phận hợp tác chặt chẽ, diễn viên thuộc lời và diễn xuất tốt thì quay nhanh đâu có ảnh hưởng đến chất lượng? Việc chê theo tâm lý "bầy đàn" thực sự là không ổn. Cũng không ít nhà phê bình phê phán nhưng không hề đưa ra chứng cứ như ngôn ngữ thế nào, cảnh quay ra sao, bố cục hợp lý hay không... Sự phê bởi thế mà thiếu sức thuyết phục. Ví dụ như phim "Xin thề anh nói thật" đang chiếu trên VTV1 có thể không hấp dẫn, nhưng không thể vội vàng phê ngay là nó nhảm nhí. Có một lượng khán giả vẫn đang theo dõi và chấp nhận được những hạn chế nhất định của bộ phim.

Khen, chê là chuyện hết sức bình thường trong nghệ thuật. Tuy nhiên một lần nữa xin nhấn mạnh là khen, chê cần có kiến thức, phải căn cứ cụ thể vào nội dung, ngôn ngữ, cảnh quay... Và quan trọng hơn cả là hãy nhìn nhận một cách khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để chê cho đúng…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.