Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để cây xanh thực sự “xanh”...

Thế Nguyên| 01/10/2019 06:30

(HNM) - Với một đô thị lớn như Hà Nội, cây xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hệ thống cây xanh ở ngoại thành và đặc biệt tại khu vực nội đô không chỉ là "lá phổi" của thành phố, góp phần điều hòa không khí, bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước mà còn cấu thành cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Thời gian gần đây, khu vực nội đô có sự xuất hiện của nhân tố mới - hiện tượng đảo nhiệt đô thị - cùng những mặt trái của quá trình đô thị hóa nhanh chóng càng cho thấy vai trò quan trọng này của cây xanh. Vì lẽ đó, thành phố luôn chú trọng bảo vệ, phát triển các “mảng xanh” mà một trong những mục tiêu là xây dựng Thủ đô xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực là chủ yếu đối với môi trường sống của con người, việc duy trì, phát triển cây xanh ở không gian cư trú, đặc biệt là ở nội đô vốn “đất chật, người đông, phương tiện nhiều” có những vấn đề rất đáng phải chú ý. Bởi nhiều nguyên nhân, cây xanh có thể trở thành… hiểm họa khi xảy ra gãy, đổ. Trong số các nguyên nhân, có yếu tố do việc trồng, chăm sóc, bảo vệ chưa phù hợp, có yếu tố do thời tiết. Một số sự cố, trong đó có những vụ việc thương tâm, xảy ra do cây xanh gãy, đổ khi mưa lớn, dông lốc ngay trong năm 2019 này cho thấy cây xanh không phải lúc nào cũng “xanh”. Hiểm họa cây xanh gãy, đổ không thể xem thường, khi thiệt hại về tài sản, thậm chí cả sinh mạng con người đã xảy ra.

Để cây xanh thực sự “xanh”, để màu xanh cây cối luôn đồng nghĩa với bóng mát, sự yên bình, đồng thời tô điểm cho đô thị xanh - sạch - đẹp, công tác quản lý cây xanh đứng trước rất nhiều yêu cầu cần đáp ứng cho phù hợp với sự phát triển của thành phố nói chung, khu vực tập trung đông dân cư và có nhiều hoạt động giao thông nói riêng.

Trước hết là nhóm giải pháp theo địa bàn. Các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng phải tiếp tục làm tốt hoạt động cắt tỉa, hạ độ cao toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn quản lý. Việc cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh cần được duy trì theo hướng vừa thực hiện thường xuyên, vừa tăng cường trước mỗi mùa mưa bão. Hoạt động này cần thực hiện trên cơ sở rà soát, khảo sát kỹ lưỡng từng địa bàn, khu vực nhằm phát hiện kịp thời, hạn chế xuống mức thấp nhất cây có nguy cơ gãy, đổ do khô, mục hoặc mất an toàn. Thực tế thời gian qua, từ chỉ đạo sát sao của thành phố, các quận, huyện, thị xã cùng đơn vị chức năng, đặc biệt là Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, đã làm tốt việc này. Tuy nhiên, hiện tượng cây có nguy cơ gãy, đổ bị "xao nhãng” ở nơi nọ, nơi kia vẫn còn và cần được lưu tâm hơn để trồng mới, thay thế cho phù hợp.

Thứ hai là nhóm giải pháp về quản lý, công nghệ. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc duy trì, phát triển, quản lý hệ thống cây xanh càng sớm được số hóa, tự động hóa ở mức cao càng tốt, gắn liền với đó là đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Chính vì thế, việc cử cán bộ đi đào tạo về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây xanh là hướng đi phù hợp. Hệ thống phương tiện, trang thiết bị phục vụ hạ độ cao, cắt tỉa cây xanh cần tiếp tục được đầu tư để tăng hiệu quả lao động cũng như giảm thiểu tai nạn.

Thứ ba là nhóm giải pháp có tính cộng đồng. Hiện tượng cây xanh bị xâm hại ở nhiều mức độ, từ bị lấy trộm cột, cọc giằng chống đến “bức tử” (đổ nước sôi, dầu vào gốc cây, cưa rễ…) còn xảy ra cho thấy sự thiếu ý thức của không ít người. Do đó, sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng. Vai trò của từng người dân ở đây không chỉ là phát hiện, thông tin kịp thời những cây có nguy cơ gãy, đổ tới đơn vị chức năng mà còn cần có biện pháp ngăn chặn, cảnh báo kịp thời về các hành vi xâm hại cây xanh…

Để cây xanh thực sự "xanh", tỏa bóng mát lành cho môi trường sống!    

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để cây xanh thực sự “xanh”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.