Đối ngoại

Ý nghĩa đường lối "ngoại giao cây tre" của Đảng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống (*)

Nguyễn Thị Phương Dung 27/12/2023 - 06:54

Điểm tựa vững chắc cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại ngày nay chính là nền tảng tư tưởng của Đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được cụ thể hóa thành đường lối “ngoại giao cây tre”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó nổi lên là những vấn đề an ninh phi truyền thống. Trước những thách thức này, ngoại giao Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh mới, góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc...

quang-canh-toa-dam-van-dun.jpg
Quang cảnh tọa đàm “Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” do Bộ Ngoại giao tổ chức. Ảnh: Minh Anh

Ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống

Toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ không chỉ đem tới cơ hội mà còn đưa đến những thách thức, đe dọa đối với độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia, dân tộc. Quan niệm về an ninh quốc gia vì thế được mở rộng về phạm vi, không còn bị giới hạn ở những vấn đề thuộc về an ninh quân sự. Từ đó, thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” đã xuất hiện để mô tả những biến đổi của môi trường an ninh quốc tế. Các mối đe dọa của an ninh phi truyền thống thường tập trung vào hai nhóm chính: Một là nhóm các quá trình hiện tượng tự nhiên và xã hội (an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…); hai là nhóm các hành vi tiêu cực do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện ảnh hưởng bất lợi đến xã hội (tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao…).

Đối mặt với những thách thức này, Đảng ta chủ động đề ra những quan điểm và đường lối, chiến lược ứng phó. Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam - gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”".

Bài học và ý nghĩa của đường lối "ngoại giao cây tre"

Có thể thấy, đường lối "ngoại giao cây tre" của Đảng có những nét đặc trưng đó là: Kiên định trong mục tiêu - Nhân văn trong cốt cách - Chủ động trong tinh thần - Linh hoạt trong hành động - Đoàn kết trong cộng đồng.

Giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp từ những lĩnh vực khác nhau, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… và đặc biệt là ngoại giao. Với yêu cầu đó, đường lối "ngoại giao cây tre" tiếp tục phát huy giá trị, bài học ý nghĩa của mình trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Một là bài học về sự kiên định, nhất quán. Các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh mạng… sẽ dẫn tới vấn đề về thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, mất trật tự an toàn xã hội. Tiếp đó là những hệ lụy tiêu cực, làm cho xã hội bị phân hóa và khiến cho các quốc gia ngày càng xa rời mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi đó, Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để vươn tới mục tiêu đó, chúng ta phải kiên định với con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức và điều kiện bảo đảm để đấu tranh, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công. Điều đó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ta từ ngàn đời nay.

Thách thức an ninh phi truyền thống còn tạo ra nhiều vấn nạn tội phạm, như lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và phương tiện đại chúng, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước. Để ứng phó, chúng ta cần phải kiên quyết, kiên trì trong hành động đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Có như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng được bảo vệ, nền độc lập, tự do của dân tộc không bị xâm phạm.

Hai là bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thực tế cho thấy, sự tồn tại của mọi quốc gia đều gắn liền với môi trường khu vực và quốc tế. Câu chuyện ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống không chỉ là vấn đề của một quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam không thể tách rời cộng đồng quốc tế. Để tăng gấp bội “thực lực” ứng phó với các vấn đề nan giải mà toàn thế giới đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo…, chúng ta luôn phải giương cao ngọn cờ kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.

Ở đây, sức mạnh dân tộc là tổng hợp những lợi thế, những nguồn lực nội sinh của dân tộc, bao gồm toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Còn sức mạnh thời đại là yếu tố bên ngoài, bao gồm các xu thế chính trị, kinh tế - xã hội trên thế giới như: Hòa bình, hợp tác và phát triển, cách mạng khoa học công nghệ, xu thế phát triển bền vững... Bên cạnh đó, sức mạnh của thời đại còn là sức mạnh của cộng đồng quốc tế ngày càng đồng thuận trong việc kiến tạo, củng cố một trật tự thế giới dân chủ, công bằng, bình đẳng. Quan điểm về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng xuất phát từ quan điểm của Mác về giải quyết mâu thuẫn, về mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Theo đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định thì sức mạnh thời đại giữ vai trò tạo điều kiện thuận lợi trong công cuộc ứng phó với các vấn đề mới của xã hội.

Ba là bài học về tinh thần trách nhiệm, dấn thân. Chính tinh thần chủ động, tích cực trong đường lối "ngoại giao cây tre" đã mang tới bài học trong việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu, chúng ta phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và “cách mạng không ngừng”, “cách mạng triệt để”. Bởi thách thức an ninh phi truyền thống là những thách thức lớn, mang tính thời đại và dài hạn. Chúng ta cần phải chủ động, nhanh chóng xây dựng kế hoạch hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Bốn là lấy văn hóa làm nền tảng cho chiến lược phát triển. Trong cuộc chiến với các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống, điều quan trọng nhất chúng ta cần phải có là nguồn lực nội sinh vững chắc. Gốc của sức mạnh nội sinh chính là văn hóa, là bản sắc dân tộc.

Biến thách thức thành cơ hội

Như đã thấy, đường lối ngoại giao Việt Nam được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao là bởi ngoại giao lấy cái gốc là văn hóa dân tộc và mang trong mình nội hàm văn hóa dân tộc. Chính “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa tạo ra sự tôn trọng và tình cảm gắn bó giữa các dân tộc, từ đó thiết lập nên những mối quan hệ hữu nghị bền chặt, dài lâu. Văn hóa tạo nên một xã hội văn minh, tiến bộ. Hướng tới một thế giới tiến bộ hơn, các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải cùng nhau phát triển, cùng nhau ứng phó với các thách thức mới, cùng nhau xóa nhòa sự cách biệt.

Thấm nhuần giá trị văn hóa dân tộc, chúng ta có thể biến những thách thức thành cơ hội, khó khăn thành bàn đạp để đất nước ngày càng phồn vinh và văn minh.

Thế giới đang biến đổi với ngày càng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống. Điểm tựa vững chắc cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại ngày nay chính là nền tảng tư tưởng của Đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được cụ thể hóa thành đường lối “ngoại giao cây tre”. Cây tre mang hình ảnh biểu tượng của sự kiên định nhất quán, gắn liền với sự thích ứng linh hoạt và chứa đựng sức mạnh bền bỉ từ cội nguồn dân tộc.

Điểm đặc sắc của “ngoại giao cây tre” là thông điệp về nền ngoại giao dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc “tre xanh xanh tự bao giờ, chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”. Đó là bản sắc, là sức mạnh cội rễ, là sự giản dị chân thành, là tinh thần kiên cường của đất nước văn hiến ngàn năm. Không chỉ là cơ sở làm nên thành tựu, vị thế của riêng Việt Nam trên trường quốc tế, “ngoại giao cây tre” cũng trở thành trường phái ngoại giao mà các quốc gia đang phát triển khác có thể tham khảo, để xây dựng chính sách đối ngoại ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đồng thời chung tay góp phần tạo dựng thế giới trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Nguyễn Thị Phương Dung

Giảng viên Khoa Lý luận chính trị (Đại học Bách khoa Hà Nội)

_______

(*) Bài đoạt giải Nhất cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa đường lối "ngoại giao cây tre" của Đảng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.