(HNM) - Mới đây, kết luận điều tra vụ việc tại Trường Đại học Đông Đô, Bộ Công an xác định trường này đã cấp 193 bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ tiếng Anh cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Trong số này, có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ... Điều này cho thấy một thực tế rất đau lòng: Sự giả dối, thiếu trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn đang diễn ra. Vậy nhận diện tình trạng này thế nào và làm cách nào để ngăn ngừa sự giả dối, thiếu trung thực?
Lâu nay, dư luận vẫn phản ánh tình trạng thuê người học, thuê làm tiểu luận, bài tập và luận văn tốt nghiệp trong học tại chức, văn bằng hai, thậm chí học thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Việc mua bằng cấp, chứng chỉ giả cũng khá dễ nhờ tiện ích của công nghệ thông tin. Và có thể dẫn ra hàng chục sự việc lớn nhỏ xảy ra ở chỗ này, nơi kia với không ít cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật vì khai man bằng cấp.
Trước hết phải thấy rằng, nhu cầu có bằng cấp cao hơn của mỗi cá nhân là hoàn toàn chính đáng; việc đòi hỏi cán bộ phải bảo đảm mức quy chuẩn bằng cấp nào đó cũng không sai. Vấn đề còn lại là phải làm sao có cơ chế kiểm tra, kiểm soát thật tốt, bảo đảm “học thật, thi thật, bằng cấp thật”; đồng thời, các quy định về bằng cấp phải thiết thực, phù hợp thực tiễn thì mới có thể ngăn chặn tình trạng gian dối.
Thực tế cho thấy, người gian dối bằng cấp là người thiếu năng lực chuyên môn, hoặc do lười học tập, nghiên cứu nhưng lấy bằng cấp làm “mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Khi những đối tượng này ỷ vào thế bằng cấp và được giao những vị trí công tác quan trọng thì hậu quả đối với cơ quan, đơn vị và xã hội rất khó lường.
Vì thiếu năng lực chuyên môn, người gian dối sẽ không làm tròn được chức trách, công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc chung của cơ quan, đơn vị mình, thậm chí kéo lùi phong trào thi đua...
Vì thiếu năng lực chuyên môn, người gian dối không được cấp dưới nể phục nên sẽ dẫn tới hiện tượng dối trên lừa dưới, thủ tiêu đấu tranh, cát cứ phe nhóm, tranh giành lợi ích...
Vì thiếu năng lực chuyên môn, người gian dối sẽ nảy sinh tâm lý chọn việc dễ bỏ việc khó, không sẵn sàng gánh nhận việc khó, việc lớn mà tổ chức đảng, đơn vị giao cho...
Nguy hiểm hơn cả, từ việc gian dối, che mắt được tổ chức về bằng cấp, thì người gian dối giống như sa chân xuống bùn, từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác, gian dối một việc thì cũng dám gian dối nhiều việc khác, trở thành con người không trung thực, trung thành...
Sống gian, làm dối - vừa dễ sa vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã đành, mà còn là nguy cơ trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nhanh...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, trung thực là cơ sở để xây dựng lòng trung thành và là “bà đỡ” để xây dựng các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Nếu một cá nhân coi trọng sự trung thực thì tình trạng giả dối, vi phạm pháp luật bị hạn chế, tiêu cực sẽ giảm, qua đó hình thành tập thể và xã hội tốt đẹp. Ngược lại, nếu để giả dối, tiêu cực "lên ngôi" thì tất yếu sẽ gây ra nhiều hệ lụy, để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Bởi vậy, phải quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn để xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, đảng viên hội tụ đủ lý tưởng, niềm tin cách mạng và phẩm chất đạo đức, trình độ tương xứng, trong đó lấy trung thực làm nền tảng. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát; đề cao, phát huy sự trung thực của cán bộ, đảng viên hơn nữa, thông qua các quy chế, quy định mang tính pháp lý cao. Một trong những vấn đề cần làm ngay là rà soát lại các tiêu chuẩn, điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhân sự; nếu thấy tiêu chí nào không cần thiết, mang tính hình thức thì nên mạnh dạn bãi bỏ. Mặt khác, cơ quan chức năng, cấp thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những sự gian dối, thiếu trung thực về bằng cấp và thực thi công vụ. Thực tiễn cho thấy, do lụy tình, do nể nang từ các mối quan hệ đan xen chằng chịt nên công tác kiểm tra, giám sát việc nâng cao trình độ học vấn của cán bộ, đảng viên, công chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được coi trọng đúng mức, là tác nhân chi phối sự trung thực, dẫn đến nhiều người không đủ dũng khí đấu tranh với gian dối, tiêu cực mà chọn thái độ “mũ ni che tai”, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”...
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Sống làm sao để đến lúc nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” Để có được danh dự, trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên cần coi trọng, đề cao và giữ gìn cho được phẩm chất trung thực; trung thực trong lời nói cũng như việc làm; bản thân giữ gìn phẩm chất trung thực và hết lòng chỉ bảo, rèn cặp cho đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội mình phẩm chất trung thực. Chỉ có trung thực mới giúp tạo ra động cơ phấn đấu, rèn luyện, cống hiến một cách trong sáng, tạo nên uy tín với đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội để từ đó tạo hiệu quả tốt hoàn thành công việc được giao, tiến bộ cùng tập thể. Giữ gìn, phát huy phẩm chất trung thực, chính là mỗi cán bộ, đảng viên đang giữ gìn, bảo vệ danh dự của chính mình và danh dự của Đảng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.