Văn hóa

Cơ hội “định danh" điểm đến bằng giải thưởng điện ảnh:Thiếu nét riêng, khó hình thành thương hiệu

Phương Thúy 10/09/2024 5:34

Ngày 10-9 tới, lễ trao giải Cánh diều 2024 sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang, đánh dấu 3 năm liên tiếp Nha Trang đứng ra đăng cai sự kiện này với mong muốn trở thành “một thành phố điện ảnh”.

Như vậy, cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều địa phương mong muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh của điện ảnh trong quảng bá và phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc đăng cai tổ chức các giải thưởng điện ảnh, liên hoan phim (LHP). Tuy nhiên, làm thế nào để tạo sức hút, để mỗi giải thưởng hay liên hoan đều mang dấu ấn riêng, có bản sắc là câu hỏi không dễ trả lời.

638608924047229171-lhp-quoc.jpg
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã tạo được tiếng vang sau 6 lần tổ chức.

Hy vọng đặt vào LHP

Bắt đầu từ năm 2010, với sự kết hợp của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Trải qua 6 lần tổ chức, sự kiện này được coi là cơ hội để điện ảnh Việt Nam mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm làm nghề, tôn vinh tài năng của người làm điện ảnh đồng thời quảng bá hình ảnh của đất nước, Thủ đô.

Năm nay, dự kiến LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII sẽ diễn ra trong tháng 11, với các sự kiện chính gồm: Chương trình phim dự thi; Chương trình phim không dự thi; Chương trình hội thảo; Chương trình tiêu điểm điện ảnh quốc gia "Điện ảnh Đức"; Chương trình khai mạc; Lễ bế mạc và trao giải thưởng. Ngoài ra, LHP còn có một số sự kiện bên lề như: Chợ dự án làm phim; Chương trình chiếu phim ngoài trời; Chương trình giao lưu với ngôi sao điện ảnh; Chương trình chiếu phim cho các đơn vị báo chí...

Năm nay cũng ghi dấu hai sự kiện đáng nhớ trong lĩnh vực điện ảnh, đó là lần đầu tiên chúng ta tổ chức LHP quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4, và lần thứ 2 tổ chức LHP châu Á tại Đà Nẵng vào tháng 7. Tại LHP quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc công chiếu và trao giải cho phim ở 3 hạng mục tranh giải chính (Phim Đông Nam Á, Phim đầu tay/ phim thứ hai, Phim ngắn) và 6 hạng mục phụ, còn có nhiều hoạt động khác. Có thể kể tới các sự kiện được cộng đồng điện ảnh quan tâm như: Project Market (Chợ dự án), Vườn ươm kịch bản, Cuộc thi phê bình trẻ. Cùng với đó là chương trình chiếu phim ngoài trời, tạo điều kiện cho đông đảo công chúng có thể tham gia. Điều này cũng phù hợp với mong muốn mở rộng phạm vi thưởng lãm của khán giả - mục tiêu mà các liên hoan phim lớn trên thế giới rất chú trọng.

Còn LHP tại Đà Nẵng, lần thứ hai tổ chức với chủ đề “Nhịp cầu Châu Á”, được kỳ vọng là cơ hội để Đà Nẵng trở thành một thương hiệu gắn với điện ảnh. LHP châu Á - Đà Nẵng đã mời được nhiều tên tuổi trong giới điện ảnh của khu vực tham gia như đạo diễn Jang Joon Hwan (Hàn Quốc), đạo diễn Adilkhan Yerzhanov (Kazakhstan); Stephen Jenner - Phó Chủ tịch truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ; nhà sản xuất Yulia Evina Bhara (Indonesia)... 36 bộ phim dự thi được trình chiếu tại 3 cụm rạp cùng với những buổi chiếu phim ngoài trời đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trong và ngoài nước, khách du lịch quốc tế. Tuy vậy, do thời gian ngắn, chất lượng những buổi giao lưu chưa thực sự cao, thiếu sự dẫn dắt giàu tính chuyên môn và cũng chưa được thảo luận chuyên sâu về điện ảnh...

Hai sự kiện nói trên cho thấy nỗ lực của ngành Điện ảnh nói chung, của các thành phố nói riêng, nhất là khi Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 cho phép các địa phương, thành phố tổ chức LHP, tuần lễ phim, miễn không trùng lặp với LHP quốc gia và LHP quốc tế Hà Nội.

choo_cdv_0020-2048x1151.jpg
Lễ trao giải Cánh diều 2023 tổ chức tại Nha Trang thu hút đông đảo du khách tới thành phố.

Giải thưởng điện ảnh chưa tạo được sức hút

Bên cạnh LHP, các giải thưởng điện ảnh mang ý nghĩa tôn vinh những người làm nghề cũng được công chúng đặc biệt quan tâm, tiêu biểu như giải Cánh diều, giải Bông sen, Ngôi sao xanh... Ở giải Cánh diều sắp diễn ra, theo Ban tổ chức, năm nay số lượng phim tham dự giải, đặc biệt là phim ngắn, phim tài liệu và phim khoa học nhiều hơn so với những năm trước. Phim dự giải đa dạng về đề tài, thể loại; có phim nhà nước đặt hàng và phim tư nhân; có phim thương mại và có cả phim nghệ thuật. Có thể nhận thấy, hạng mục phim điện ảnh quy tụ nhiều đơn vị làm phim của nhà nước và tư nhân, nhưng vắng bóng một số tên tuổi "hot" trên thị trường. Ở hạng mục phim truyền hình, đa số tham gia là phim của Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam VFC.

Nếu như LHP quốc tế Hà Nội, LHP châu Á - Đà Nẵng và LHP quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản đều đi đúng hướng, theo mô hình chuẩn của các Film Fest trên thế giới, khá ổn về cách thức tổ chức và tương đối đáng tin cậy về chất lượng giải thì nhiều giải thưởng phim còn để lại sự bàn cãi.

Giải Bông sen (của Cục Điện ảnh) và Cánh diều (của Hội Điện ảnh) về cơ bản đều có những điểm giống nhau về tiêu chí đề cao các tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật, mang dấu ấn sáng tạo trong ngôn ngữ biểu hiện, đạt hiệu quả xã hội tích cực và các cá nhân tác giả, nghệ sĩ, người làm phim có đóng góp nổi bật trong sáng tạo tác phẩm. Tuy vậy, trong quá trình tổ chức, giải Cánh diều đã gặp phải những “sự cố” không đáng có như khâu tổ chức chưa thực sự chuyên nghiệp. Mặc dù là giải thưởng hằng năm, tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của năm trước đó nhưng thực tế, trong các bộ phim được trao giải có những phim chưa kịp công chiếu, có những phim đã ra mắt trước đó 3 năm. Hạng mục phim điện ảnh dự giải Cánh diều luôn được dư luận và giới làm nghề quan tâm nhất, nhưng cũng là hạng mục có nhiều tranh cãi, bàn tán, một số tác phẩm được trao giải song chưa thuyết phục được người làm nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, cả hai giải thưởng điện ảnh Bông sen và Cánh diều tổ chức chưa đúng cách thức thường thấy ở các giải thưởng điện ảnh thế giới (Film Award). Nếu như các giải thưởng phim uy tín trên thế giới như Oscar, Quả cầu Vàng (Mỹ), Bafta (Anh), Cesar (Pháp), Kim Mã, Kim Tượng, Kim Kê (Hoa ngữ)... đều công bố danh sách đề cử trước lễ trao giải khoảng 1 - 2 tháng thì Bông sen hay Cánh diều không có giai đoạn đề cử.

Thể hiện nét riêng

Việc tổ chức ngày càng nhiều LHP, giải thưởng điện ảnh ở các địa phương cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của ngành Nghệ thuật thứ 7 trong đời sống tinh thần của người dân hiện nay, cũng như tính hiệu quả của điện ảnh đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa nói chung. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là để thực sự thành công như kỳ vọng, mỗi LHP, giải thưởng điện ảnh cần thể hiện được nét riêng.

Đạo diễn Phan Đăng Di, người từng tham dự những LHP uy tín trên thế giới như Cannes, Berlin, Venice, nhận xét: "LHP cần mở rộng khả năng hội nhập quốc tế của nền điện ảnh thành phố, thông qua giao lưu nghề nghiệp, xúc tiến điện ảnh, những chính sách cụ thể về hợp tác sản xuất với nước ngoài. Một LHP lớn coi trọng việc tạo ra không gian riêng, tổ chức những gala Screening để ra mắt một cách bài bản, tôn vinh xứng đáng các tác phẩm nội địa". Nhà sản xuất Trần Bích Ngọc cho rằng, LHP là dịp mở rộng thị trường điện ảnh, hội nhập quốc tế nhưng “hệ sinh thái của LHP vẫn phải mang đến lợi thế riêng cho địa phương, có giọng nói riêng”. LHP là sự kiện thường niên và phải mang bản sắc, dấu ấn riêng của từng địa phương. Có như thế, LHP mới góp phần quảng bá hình ảnh địa phương một cách hiệu quả, thu hút du lịch, giúp nâng tầm công nghiệp văn hóa của thành phố...

Còn với hai giải thưởng điện ảnh lớn được đề cập ở trên, dù là quy mô, định kỳ tổ chức có khác nhau song cũng nên đổi mới để tạo nên sự khác biệt thật sự về thương hiệu. NSND Lan Hương kỳ vọng: “Giải Cánh diều cũng như giải Bông sen luôn đề cao chất lượng nghệ thuật thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, tiêu chí của giải thưởng phải được giữ vững và phát huy mạnh mẽ, để giải thưởng điện ảnh của chúng ta thực sự danh giá”. Để xứng đáng là một thương hiệu điện ảnh thì từ khâu tổ chức đến quy mô giải thưởng điện ảnh cần có sự đổi mới. Cũng cần thay đổi cơ cấu tổ chức chấm giải và trao giải để tôn vinh đúng tài năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội “định danh" điểm đến bằng giải thưởng điện ảnh: Thiếu nét riêng, khó hình thành thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.