Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để biến tiềm năng thành thế mạnh

Dục Tú| 21/01/2013 06:10

(HNM) - Trong thời kinh tế khó khăn, du lịch là một trong số ít ngành vẫn có thể nuôi hy vọng tăng trưởng khá, đặc biệt là ở những nước giàu tiềm năng về lĩnh vực này.

Việt Nam có bờ biển dài, lắm bãi biển đẹp - cả hoang sơ lẫn đã được khai thác, nhiều danh lam thắng cảnh đã được thừa nhận rộng rãi. Nước ta còn có nhiều di sản thế giới, cả vật thể và phi vật thể, đó là cơ sở phát triển du lịch mà không phải quốc gia nào cũng có được và bởi thế, tiềm năng phát triển du lịch là không phải bàn cãi. Nhưng muốn biến tiềm năng thành thế mạnh thật sự không phải chuyện dễ, cần định hướng đúng và cần quyết tâm thực hiện mục tiêu đã định dựa trên những giải pháp khả thi, thiết thực, không thể nửa vời.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2013 vừa diễn ra, ngành du lịch Việt Nam xác định một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, tình trạng chèo kéo, chặt chém, lừa đảo du khách… Đó là chưa kể những vấn đề quan trọng khác, như tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành; tìm kiếm sản phẩm đặc trưng nhằm tạo dựng thương hiệu, cách thức xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả. Những việc kể trên, lớn hay nhỏ nhưng đều quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành du lịch. Tiếc thay, đó đều là những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan nên chưa thể khắc phục dứt điểm.

Bây giờ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, du lịch xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nhờ tiềm năng dồi dào và cũng nhờ xu thế tiêu dùng hiện nay của người Việt Nam cũng như khách quốc tế. Muốn duy trì đà tăng trưởng, tạo dựng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, những điểm hạn chế nói trên cần phải được giải quyết dứt điểm. Rất nhiều mặt hạn chế, không dễ một lúc khắc phục được ngay, nên phải chọn việc cần giải quyết trước, làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Trước tiên là cải thiện môi trường du lịch, bao hàm cả vấn nạn chèo kéo, lừa đảo khách và nhà vệ sinh công cộng. Những việc này, tưởng khó mà không, miễn có được sự vào cuộc đồng bộ của một số ngành liên quan, nhất là chính quyền địa phương. Điều cần là quy định chặt chẽ, sự nghiêm ngặt và công bằng trong thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, lấy kết quả chấp hành quy định chung làm thước đo điều kiện kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó quyết định cho phép hay tạm dừng giấy phép kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch. Việc diễn ra trên từng địa bàn cụ thể, nên nói chính quyền địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng là vì thế. Làm nghiêm, hẳn mọi chuyện sẽ vào nếp. Mà một khi "trong nhà" yên ấm, quy củ, việc xúc tiến, quảng bá du lịch cũng có cơ sở thực tiễn, không cần phải nói quá lên mà khách vẫn tin.

Việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng với ý nghĩa tạo dựng thương hiệu là một việc rất khó; sản phẩm - thương hiệu của một tỉnh, vùng đã khó, của quốc gia lại càng khó hơn nhiều. Dư luận đề cập đến khái niệm "Việt Nam là bếp ăn của thế giới", tức là bạn bè năm châu tin tưởng nước Việt có thể sản xuất đủ đồ ăn, thức uống chất lượng cao với cả du khách; chúng ta nên sớm tận dụng thế mạnh nhất định về ẩm thực này; tuy vậy có thể xem xét nhưng chắc hẳn chưa thể quyết định được ngay. Việc lớn, ngành du lịch nên trưng cầu ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành phố có thế mạnh rõ ràng về điểm này, trên cơ sở đó xác định những sản phẩm mũi nhọn và tìm giải pháp chống hàng nhái, hàng giả….

Du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cơ hội lớn chỉ mở ra thật sự nếu tìm ra cách khắc phục, giải quyết dứt điểm từng điểm yếu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để biến tiềm năng thành thế mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.