Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đê bị sạt lở, người dân nơm nớp lo

Hoàng Sơn - Thúy Nga| 12/05/2014 06:53

(HNM) - Tình trạng sạt lở đê hữu Hồng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có chỗ lấn sâu vào sát nhà dân...



Tình trạng sạt lở đê hữu Hồng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có chỗ lấn sâu vào sát nhà dân. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, không lâu nữa, nhiều gia đình nơi đây rơi vào cảnh "màn trời, chiếu đất".

Người dân bất an trước tình trạng sạt lở bờ hữu sông Hồng tại thôn Đông Viên, xã Đông Quang. Ảnh: Hoài Thu


Sống cạnh tử thần

Đi thực tế dọc bờ hữu sông Hồng, đoạn qua xã Đông Quang, chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh tượng nơi đây: Liên tiếp các hõm sạt lở hình trăng khuyết dài hàng chục mét, lõm sâu nối tiếp nhau. Màu đất đỏ quạch, chứng tỏ sạt lở vừa xảy ra. Theo người dân thôn Đông Viên, tốc độ sạt ở đoạn sông này nhanh đến nỗi, có gia đình, sau một đêm ngủ dậy đã mất trắng cả ruộng, vườn, cây cối. Ông Đỗ Văn Trử (84 tuổi) cho biết, gia đình sống ở đây mấy chục năm, trước đây bờ hữu Hồng còn cách nhà ông gần 100m nhưng do sạt lở, thời điểm này chỉ còn cách khoảng vài mét. "Khoảng 3h sáng trung tuần tháng 7-2013, đang nằm ngủ thì tôi nghe rất rõ tiếng lách tách rễ cây đứt, tiếng nước vỗ vào bờ, đất ùm ùm sụt xuống dòng sông. Sáng ra, tôi thấy tường nhà bị nứt toác, nền nhà tách làm hai, nghiêng hẳn về phía sông. Nhà có 7 người thì đều phải đi sơ tán, ngôi nhà này giờ bỏ không, hằng ngày tôi ra đây trông nhà thôi" - cụ Trử kể. Còn gia đình cụ Phan Thị Tâm (89 tuổi), hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên vẫn phải ở trong ngôi nhà nứt toác, luôn thấp thỏm, lo âu, không biết nhà mình bị hà bá cuốn trôi lúc nào. "Trước kia, gia đình tôi có gần 3 sào vườn, nay chỉ còn vài thước đất để hoang, không thể canh tác được do hà bá liên tục xâm lấn, còn ngôi nhà của gia đình cụ cũng bị nứt, nghiêng hẳn về phía sông Hồng..." - cụ Tâm buồn bã cho biết.

Chị Nguyễn Thị Sang nhẩm tính, ở thôn Đông Viên có 30 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đê sông Hồng, trong đó một số hộ có nhà cửa bị nứt, lún sụt nặng đã "sơ tán" đi nơi khác ở. Chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình khó khăn, không còn đất, đành chấp nhận sống chung với "tử thần". Theo các hộ dân ở đây, từ khi tỉnh Vĩnh Phúc kè bờ tả sông Hồng, thì bên bờ hữu Hồng tình trạng sạt trượt diễn ra nghiêm trọng với tốc độ ngày càng nhanh. Trước tình trạng đó, các hộ dân đã góp tiền mua xỉ than, gạch phế liệu về gia cố những đoạn đường bị sụt sâu để cho các cháu học sinh, người già đi lại được thuận lợi hơn. Còn những vị trí khác, người dân căng dây thừng để cảnh báo không đi lại gần. "Chúng tôi chỉ muốn được sống ổn định, lâu dài trên mảnh đất của ông cha để con cháu yên tâm làm ăn, sinh sống, chứ người ở nhà ngủ không yên giấc, con cháu đi làm xa thì thấp thỏm, lo lắng cho bố mẹ, ông bà ở quê, làm ăn gì nữa!" - Cụ Tâm phân trần.

Nơm nớp trong mùa mưa bão

Ông Vũ Văn Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết, chiều dài bờ hữu sông Hồng qua địa bàn xã khoảng 2,7km, trong đó có 1,5km chưa được kè. Hằng năm, tại những vị trí chưa được kè hộ chân, mức độ sạt lở diễn biến khá nghiêm trọng, làm mất hàng chục héc ta đất canh tác và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân thôn Đông Viên. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trong năm 2012, kết hợp với dòng chảy sông Hồng áp sát bờ hữu, nên vị trí từ K24+500 đến K25+000 chưa kè hộ chân đã xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, ảnh hưởng đến nhà dân, khiến người dân rất lo lắng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng sạt lở đê điều ở xã Đông Quang liên tục được đề cập, song đến nay, chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, cuối năm 2012, UBND TP Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc xử lý sự cố đê sau bão số 5, nhưng do khó khăn về vốn đầu tư nên chưa triển khai khắc phục được, dẫn đến mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Huyện Ba Vì đã chỉ đạo các phòng, ban xã Đông Quang theo dõi chặt chẽ diễn biến, khoanh vùng và chuẩn bị các biện pháp ứng phó, song cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Mùa mưa bão năm 2014 đã cận kề, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân sinh sống trong khu vực, đề nghị các sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ sạt lở và thống nhất phương án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Đông Quang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đê bị sạt lở, người dân nơm nớp lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.