(HNMO)- “Ai chẳng muốn cho con em mình biết bơi. Nhưng “cái khó bó cái khôn” nên đành chấp nhận để các cháu… không biết bơi!”. Đó là tâm sự chung của nhiều bậc phụ huynh ở ngoại thành Hà Nội khi trao đổi về vấn đề dạy bơi cho trẻ em.
Những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ XX) trở về trước, mỗi độ hè về, những làng quê ven các con sông ở ngoại thành Hà Nội vui như trảy hội. Chiều đến, trên những khúc sông trở thành “bể bơi” tự nhiên để trẻ em, người lớn, con gái, con trai tha hồ bơi lội, ngụp lặn.
Bọn trẻ con lên 6, lên 7 thì được các anh, các chị, ông, bà, bố mẹ, hoặc cô, dì, chú bác ra sức dạy bơi. Mặc dù việc dạy bơi chẳng có bài bản, nhưng với sự nhiệt tình và kinh nghiệm của người lớn, sau mấy tháng mùa hè, đứa nhút nhát khi xuống nước cũng đã tự “nổi” được trên mặt nước và như vậy cơ bản được coi là “sạch nước cản”. Trên cơ sở đó, cùng với thời gian, dưới sự kèm cặp của người lớn, sự tập luyện của bản thân rồi bọn trẻ cũng biết bơi thành thục. Tất nhiên để đánh giá là người bơi lội giỏi thì còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là có thể lực tốt.
Hiện nay, ở một số vùng quê ngoại thành Hà Nội, để biết bơi, không ít em nhỏ chấp nhận tắm trong các ao tù nước đọng mà nguồn nước ô nhiễm |
Ngày đó, với bọn trẻ choai choai khi đã biết bơi, trò chơi được ưa thích của chúng là trò đuổi bắt dưới nước… Những cây chuối sau khi đã thu hoạch buồng, được coi là “bảo bối” của bọn trẻ khi tham gia bơi lội dưới sông. Một cây chuối có thể được chặt ra thành nhiều đoạn (khúc) riêng lẻ để làm phao cho bọn trẻ trong khi bơi lội đã thấm mệt, hoặc được chúng lấy các thanh tre ghim lại với nhau thành bè rồi cùng nhau ngồi trên đó và thả trôi xuôi dòng…
Thời điểm ấy, với bọn trẻ con ở xa sông ngòi, thì được người lớn cho tập bơi tại các ao, hồ quanh làng hoặc ngoài đồng. Bởi lúc đó, nước trong ao, hồ vẫn chưa bị ô nhiễm. Có lẽ, khi tắm ở ao, hồ, mối nguy hiểm duy nhất rình rập là đỉa. Tuy nhiên, ai cũng ý thức được rằng, dạy cho con em mình biết bơi là điều quan trọng hơn nên mối đe dọa từ đỉa trở thành chuyện nhỏ.
Được biết, trong giai đoạn 2010-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, đặc biệt là trẻ em nông thôn. Nhưng, việc triển khai thí điểm dạy bơi trong trường học khó có thể thực hiện ngay được vì còn rất nhiều khó khăn: về chuyên môn, cơ sở vật chất và đặc biệt về vấn đề kinh phí. |
Cứ thế, không ai bảo ai, tại các làng quê dù cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người lớn vẫn tự ý thức được rằng, cần phải tập cho bọn nhỏ biết bơi để có thể đối mặt với những tại nạn dưới nước. Và mỗi mùa hè qua đi lại có thêm một lứa trẻ em ở các làng quê được trang bị một kỹ năng sống cần thiết là biết bơi lội. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng tỷ lệ thiếu niên biết bơi thời điểm đó chiếm đến hơn 90%.
Tỷ lệ nghịch với phát triển
Trên thực tế, khoảng 15 năm trở về trước, tuy không có thống kê, nhưng chắc chắn tỷ lệ trẻ em biết bơi ở khu vực ngoại thành lớn hơn nhiều so với khu vực nội thành. Bởi thời điểm đó, số lượng bể bơi tại nội thành còn “đếm trên đầu ngón tay”, trong khi đó, sông ngòi, ao hồ tại khu vực ngoại thành vẫn chưa bị ô nhiễm nghiêm trọng như bây giờ. Hơn thế, thời điểm đó, nhiều gia đình tại khu vực nội thành đời sống còn khó khăn nên chưa có điều kiện để cho con em mình học bơi tại các bể bơi trong dịp hè.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thì tình hình lại ngược lại: tỷ lệ trẻ em ở khu vực nội thành biết bơi nhiều hơn hẳn khu vực ngoại thành (chưa muốn nói là áp đảo). Bởi số lượng bể bơi được xây dựng trong khu vực nội thành tăng nhanh, mức sống của các gia đình tại khu vực này được nâng cao hơn những năm trước, họ có điều kiện để cho con theo học tại các bể bơi trong dịp hè. Thêm vào đó, nhiều trường tiểu học, THCS tại các quận, thị xã đã tổ chức dạy bơi trong dịp nghỉ hè cho các em học sinh nên số lượng học sinh tại nội thành biết bơi ngày càng nhiều.
Mùa hè, các em nhỏ trong khu vực nội thành Hà Nội thường được phụ huynh cho đến bể bơi để tập bơi |
Trong khi đó, nguồn nước tại các con sông trên địa bàn Hà Nội như sông Đáy, sông Nhuệ... ngày càng ô nhiễm nghiễm trọng, gần như không một loài sinh vật nào có thể sống được trong nguồn nước này. Bởi vậy, chuyện tập bơi cho con trẻ trên các sông ngòi tại khu vực ngoại thành là điều không tưởng. Cùng với đó, nguồn nước tại các ao, hồ trong đồng, trong làng chủ yếu đều được bơm từ sông vào, cộng thêm tốc độ phát triển chăn nuôi ngày càng lớn, chất thải chủ yếu đổ ra đây nên ao, hồ cũng bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, hầu hết các thị trấn của 18 huyện ngoại thành vẫn chưa xây dựng được bể bơi. Bởi vậy, những năm gần đây, phần lớn các làng quê ở khu vực ngoại thành Hà Nội, các em không còn chỗ để học bơi. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ trẻ em ở ngoại thành không biết bơi ngày càng nhiều, ngay cả những vùng ven đô.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, cả nước ta có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước và mùa hè thường là thời điểm hay xảy ra đuối nước nhiều nhất. Từ năm 2007 - 2011, tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước có chiều hướng gia tăng, chỉ xếp sau TNGT. Cũng theo Liên đoàn Cứu sinh quốc tế, tỉ lệ trẻ em chết vì đuối nước ở Việt Nam cao gấp hai hoặc gấp ba tỉ lệ bình quân của thế giới. |
Qua khảo sát thực tế tại các trường tiểu học, THCS của 2 xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) phần nào cho thấy thực trạng này. Trong 100 em học sinh từ khối lớp 4 cho đến khối lớp 8, thì chỉ có 5- 6 em biết bơi. Đây là con số đáng giật mình, bởi 2 địa phương này nằm ven sông Nhuệ, hơn chục năm trở về trước, tỷ lệ học sinh biết bơi chiếm tới trên 80% (chủ yếu là tập bơi trên sông). Anh Nguyễn Văn Trung, ở đội 4 xã Tả Thanh Oai cho biết: Hai con trai của anh (đứa học lớp 6, đứa học lớp 9) đều chưa biết bơi. Mặc dù quãng đường từ nhà anh đến bể bơi ở khu đô thị Linh Đàm, hoặc bể bơi ở khu đô thị Xa La (Hà Đông) khoảng 3- 4 km, nhưng do điều kiện khó khăn nên không thể đưa đón các cháu đến tập bơi trong mùa hè. Rất nhiều bậc phụ huynh ở 2 xã kể trên cũng có tâm sự như anh Trung là không có điều kiện đưa đón con em mình đến bể bơi nên đành để các cháu không biết bơi.
Đối với vùng ven đô còn như vậy, không hiểu với các làng quê ngoại thành cách xa trung tâm cả chục cây số sẽ như thế nào? Bởi vậy, với nguồn nước tại khu vực ngoại thành ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, dù có muốn trang bị kỹ năng sống cần thiết cho con em mình là biết bơi lội, thì xem ra các bậc phụ huynh cũng khó có thể thực hiện được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.