(HNM) - Hoa Sữa đã cộng tác nhiều năm với các trường nghề như TerDuinen, Alexix Heck. Nhiều giáo viên, tình nguyện viên của các tổ chức như UNV, AFVP, VSO, AGIR, WUSC đã đến Trường Hoa Sữa trợ giúp về quản lý đào tạo, xây dựng giáo trình, đánh giá chất lượng đào tạo, dạy ngoại ngữ, dạy nghề… cho giáo viên và học sinh.
Tranh thủ trước giờ đón khách bữa trưa, tình nguyện viên người Đức Andreas Wiedemann hỗ trợ tiếng Anh cho học viên phục vụ bàn tại Nhà hàng Song Thư. Đây là một nhà hàng trong hệ thống nhà hàng thực hành và hỗ trợ đào tạo của Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa. Trong bếp, cô giáo Đoàn Thị Duyến cùng cả chục học sinh tay dao, tay thớt tất bật chế biến, xào nấu các món ăn. Giáo viên tại nhà hàng vừa là bếp trưởng kiêm "nhạc trưởng" chỉ huy toàn bộ công việc từ chuẩn bị thực phẩm, chế biến món ăn cho đến sắp xếp, trình bày, phục vụ bàn tiệc…
Tham gia vào chương trình xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước bằng cách dạy nghề và tạo việc làm miễn phí cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật, mỗi năm nhà trường thu nhận khoảng 500 thanh niên từ các thành phố lớn, vùng miền xa xôi, vùng dân tộc thiểu số đến học tập. Trường Hoa Sữa duy trì thường xuyên 11 chương trình đào tạo, tập trung trong hai lĩnh vực cơ bản: nghề du lịch - khách sạn - nhà hàng và nghề may thêu. Điều khá đặc biệt là giáo viên của trường phần lớn đều trưởng thành từ Hoa Sữa và tất cả đều có nguyện vọng tham gia công tác xã hội, trợ giúp người nghèo.
Xây dựng chương trình đào tạo chuyên nghiệp, tích hợp hệ thống tiêu chuẩn nghề Việt Nam và thế giới, luôn cải tiến, theo sát các đòi hỏi của thị trường lao động và có sự kiểm định thường xuyên của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Hoa Sữa vinh dự là một trong 8 trường nghề đầu tiên tại Việt Nam được chọn tham gia dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do Cộng đồng châu Âu và Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện. |
Tại Hoa Sữa, nghề may - thêu dành cho một bộ phận thanh niên khiếm thính và khuyết tật. Trường kết hợp học nghề với học các kỹ năng bổ trợ (ngôn ngữ ký hiệu, kiến thức văn hóa, kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống…). Học sinh người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% học phí, chi phí ăn ở, đồng phục, được chăm sóc y tế và tâm lý. Những em đạt kết quả học tập và rèn luyện tốt được nhận học bổng. Tính đến nay trường đã đào tạo được 555 học sinh dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Lạng Sơn, Phú Thọ... nơi có ngành du lịch phát triển. Thào Thị Sung (Lào Cai) và Nông Thị Hồng (Cao Bằng) cho biết các em học nghề phục vụ buồng phòng để có kiến thức về Du lịch cộng đồng, khi về quê có thể đón khách tại nhà như một điểm cư trú du lịch, chính thức. Đây là một hình thức du lịch trong đó người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến nay, sau 17 năm hoạt động, Hoa Sữa đã trợ giúp gần 7.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật học nghề và sống được bằng nghề. 100% học sinh Hoa Sữa ra trường có việc làm, thu nhập ổn định. Nhiều khách sạn, nhà hàng danh tiếng như Sofitel, Metropole, Season… đã đến tuyển dụng học sinh khi chưa kết thúc khóa học. Nhiều học sinh trưởng thành từ mái trường này đã trở thành chủ doanh nghiệp và có vị trí quan trọng trong nhiều nhà hàng, khách sạn lớn, như Quang Anh nổi tiếng với xưởng bánh ở Quảng Ninh; Chí Văn với cửa hàng sản xuất bánh ở phố Bạch Mai (Hà Nội); Vũ Thị Lý vừa quản lý nhà hàng Song Thư, kiêm đào tạo học sinh thực hành; Chu Thị Khuyên làm việc tại Khách sạn Victoria Sapa và trợ lý quản lý nhà hàng Red Dragon (Sapa); Ma Seo Hòa làm việc tại Khách sạn May de Ville City Center, phố Hàn Thuyên Hà Nội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.