Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy nghề cho lao động thất nghiệp: Vừa bí, vừa rối

Kim Vũ| 24/01/2013 08:21

(HNM) - Lực lượng lao động (LĐ) thất nghiệp trên cả nước không ngừng gia tăng trong năm 2012 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đáng nói là chỉ có chưa đến 0,2% người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.

Tại Hà Nội, số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ đầu năm 2012 đến ngày 20-12 là 24.616 người, nâng tổng số người thất nghiệp từ năm 2010 đến nay là 44.908 người, tăng hơn 40% so với năm 2011 và tăng gấp 5 lần so với năm 2010.


Công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thu Giang


Dự báo của Công ty Towers Watson (chuyên tư vấn về lương của Mỹ tại Việt Nam) cho rằng, năm 2013 sẽ là năm khó khăn cho DN và NLĐ với khoảng 29% DN không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và 3% DN cắt giảm nhân sự; chỉ còn 68% DN quyết định tuyển dụng thêm nhân viên, giảm 7% so năm 2012.

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho biết, số người được giới thiệu việc làm, học nghề trong giai đoạn thất nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,04% - 0,2%. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng ngay chính cán bộ làm công tác giới thiệu việc làm, tư vấn dạy nghề cho LĐ thất nghiệp cũng thừa nhận, hoạt động này thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, lỗi phần lớn là do NLĐ. Theo các Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL), cái khó của họ là NLĐ bị thất nghiệp lại rất "kén" việc, "kén" lương. Họ đòi hỏi mức lương cao hơn so với công việc cũ. Trong khi đó, hầu hết LĐ thất nghiệp có trình độ phổ thông hoặc trung cấp. Các DN chủ yếu lại tuyển LĐ phổ thông nên dù NLĐ đã qua đào tạo, DN chỉ trả lương như LĐ phổ thông. Điều này khiến NLĐ ngại học nghề, ngại đào tạo và tìm việc làm ngay ở các công việc trái nghề khác. Điều này dẫn đến tình trạng, LĐ thất nghiệp tìm đến khu vực LĐ phi chính thức ngày càng nhiều. Dù biết là công việc bấp bênh, có tháng kiếm được nhiều tiền, có tháng chỉ đủ tiêu vặt, nhưng NLĐ vẫn chấp nhận. Bên cạnh đó, theo quy định, với người thất nghiệp, ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng, nếu đăng ký học nghề sẽ được nhận hỗ trợ 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đối với NLĐ, số tiền trên chưa đủ sức thu hút họ đến với học nghề. Hơn nữa, nhiều LĐ lo lắng sau khi được nhận chứng chỉ sơ cấp nghề thì khi xin việc sẽ không được ưu tiên hơn những LĐ khác bởi thời gian học nghề tối đa 6 tháng rất khó để đào tạo những nghề chất lượng cao. Nếu muốn nâng cao tay nghề, bản thân NLĐ phải tự bỏ thêm chi phí vượt trội.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã thừa nhận, kinh phí BHTN mới chủ yếu dành để chi cho trợ cấp thất nghiệp. Còn việc tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho NLĐ, theo dõi số liệu, đánh giá về công việc của NLĐ như thế nào trong quá trình thất nghiệp thực sự chưa có hiệu quả.

Các chuyên gia lao động cho rằng, để "gỡ rối" vấn đề này, cần phải điều chỉnh kịp thời những quy định trong Luật.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lập dự thảo nâng mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian học nghề trên 6 tháng. Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, cần sửa đổi quy trình giải quyết chế độ BHTN theo hướng cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và chi trả trợ cấp thất nghiệp, cấp thẻ BHYT cho NLĐ; còn các TTGTVL thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho NLĐ; sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành thì xác nhận tình trạng mất việc, thất nghiệp đối với NLĐ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề cho lao động thất nghiệp: Vừa bí, vừa rối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.