(HNM) - Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, coi đây là giải pháp quan trọng để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Quy mô sản xuất miến ở xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) nhỏ lẻ, chưa đồng bộ là một trong những khó khăn cho việc đánh giá, xếp loại. Ảnh: Thái Hiền |
Hiện nay, toàn thành phố có hơn 21.000 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Thực hiện Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, ngày 3-12-2014 của Bộ NN&PTNT về quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã đánh giá, xếp loại 249 cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố. Trong đó, có 4 cơ sở xếp loại loại A, 171 cơ sở xếp loại B, 65 cơ sở xếp loại C; 9 cơ sở không xếp loại do không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đúng địa điểm… Đối với các cơ sở xếp loại C, Chi cục đã ban hành thông báo yêu cầu cơ sở khắc phục những tồn tại và báo cáo về đơn vị để tiến hành đánh giá lại theo quy định. Ngoài việc đánh giá, xếp loại, Chi cục đã cấp 192 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó cấp lại 30 giấy chứng nhận cho những cơ sở đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, do 90% cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại và xử lý vi phạm.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, đối với các cơ sở nhiều lần xếp loại C, Chi cục sẽ kiên quyết làm theo quy định; nếu các cơ sở 3 lần kiểm tra đều bị xếp loại C thì sẽ báo cáo với đơn vị cấp giấy phép kinh doanh thông báo chủ cơ sở không được hoạt động, sản xuất hoặc phân phối, kinh doanh sản phẩm, đồng thời kiên quyết không xếp loại... Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thị Lan Phương, toàn huyện đã đánh giá xếp loại 143 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhưng do cấp huyện và xã hiện chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm; số hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và chăn nuôi chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ... gây khó khăn cho việc thống kê, phân loại, đánh giá chất lượng sản phẩm ở những cơ sở này.
Để từng bước quản lý chất lượng sản phẩm ở những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của huyện, xã về Luật An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các huyện, thị xã chỉ đạo đôn đốc các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản do cấp huyện đăng ký kinh doanh và triển khai rà soát, tổng hợp, tiến hành cam kết đối với những cơ sở sản xuất ban đầu, nhỏ lẻ. Chi cục phối hợp với các địa phương tăng tần suất công khai các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không tiêu dùng các sản phẩm này.
Để việc đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản thực sự đi vào chiều sâu, chính quyền địa phương cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, huy động các nguồn lực, đầu tư nâng cấp các cơ sở giết mổ và kinh doanh thực phẩm, kiến nghị với các cơ quan chức năng của thành phố, trung ương xem xét, bổ sung các biện pháp xử lý nghiêm; kiên quyết rút giấy phép kinh doanh với các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm để từng bước loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn của người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.