(HNMO) - Đây là nội dung quan trọng trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tại hội thảo “Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” diễn ra sáng 22-12. Qua đó cũng đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của Đảng bộ Thủ đô nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng bộ Thủ đô coi là vấn đề “then chốt”, bảo đảm cho Đảng giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện sự nghiệp cách mạng.
Chỉ sau hơn một tháng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 17-3-1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập. Trải qua hơn 90 năm rèn luyện, trưởng thành, Đảng bộ Hà Nội luôn ý thức sâu sắc với vị trí là Thủ đô - trái tim của cả nước, là đảng bộ lớn, có vị trí rất đặc biệt, luôn ghi nhớ, phấn đấu thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Bác Hồ: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”.
Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các quyết định, kết luận của Trung ương đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ Thủ đô đã giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, coi đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Thủ đô, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến bước vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được thể hiện trên cả 3 mặt công tác như sau:
Thứ nhất, Đảng bộ thành phố luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ Hà Nội kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.
Do bám sát thực tiễn, tiến hành một cách khoa học, sáng tạo, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đã giúp các cấp ủy, các cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội nâng cao nhận thức về bản lĩnh chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không dao động, mơ hồ; có ý thức nâng cao cảnh giác cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng và làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ hai, Đảng bộ thành phố luôn quan tâm, coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ mạnh về tổ chức và cán bộ, coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 củng cố cơ sở Đảng yếu kém và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, đã củng cố 238/265 tổ chức cơ sở Đảng (đạt 90%), kịp thời ngăn chặn không để phát sinh điểm nóng.
Thành ủy luôn xác định công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt, là khâu đột phá và tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hơn 12 năm gần đây, Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn của thành phố. Khi mới mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội chỉ có 80% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 30-50% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học; đến năm 2020, trình độ đại học trở lên có 12.709 đồng chí (đạt tỷ lệ 98,26%).
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng gắn bó máu thịt với nhân dân, toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; công tác chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân. Đảng bộ Hà Nội đã tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là thước đo năng lực của cấp ủy, chất lượng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.
Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh, tinh thần sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp được giữ vững và phát huy. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch từ rất sớm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống với các giải pháp trúng, đúng, phù hợp với thực tiễn theo nguyên tắc kịp thời, kiên trì, bình tĩnh, quyết đoán, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch của cả nước, bảo vệ an toàn cho Thủ đô và cơ quan đầu não Trung ương trên địa bàn, được Trung ương ghi nhận, nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Thứ ba, công tác xây dựng Đảng về đạo đức cũng luôn được Đảng bộ Hà Nội thường xuyên quan tâm. Thành ủy yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; nỗ lực xây dựng Đảng về đạo đức gắn với việc thực hiện Chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, gương mẫu trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử do UBND thành phố ban hành.
Đúc rút 5 bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đúc rút 5 kinh nghiệm từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố.
Một là, luôn kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất quán và thực hiện nghiêm túc các quan điểm đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô.
Hai là, quan tâm chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển vững chắc của Thủ đô Hà Nội; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; các quy chế, quy định, thường xuyên tự phê bình và phê bình, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.
Ba là, tích cực tuyên truyền để các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời đề ra các quyết sách phù hợp với thực tiễn Thủ đô, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề mới phức tạp nảy sinh từ cuộc sống.
Bốn là, chăm lo gắn kết mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp.
Năm là, thường xuyên bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương; chủ động phối hợp, sự giúp đỡ, ủng hộ, hợp tác của các địa phương trong cả nước, các cơ quan, bộ, ban, ngành của Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, thu hút nguồn lực để phát triển Thủ đô và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong quá trình đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng khẳng định, ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, về niềm tự hào, trách nhiệm của Đảng bộ Hà Nội đối với Đảng và đất nước; phát huy truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là các văn bản mới của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.